Ác mộng "lệ" bất thành văn ở công sở: Người mới phải chi tiền triệu mời đồng nghiệp

Trong môi trường công sở, không ít người mới vào làm phải đối mặt với những "lệ" bất thành văn như phải mời đồng nghiệp ăn uống, mua quà vặt, thậm chí là bù tiền cho những lần gọi đồ uống. Áp lực tài chính và cảm giác bị lợi dụng khiến nhiều nhân viên cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí phải bỏ việc.

Ác mộng

Bước chân vào môi trường công sở, nhiều nhân viên mới không khỏi bỡ ngỡ trước những "lệ" bất thành văn đôi khi khiến họ đau đầu. Nguyễn Minh Anh (25 tuổi), nhân viên một công ty truyền thông tại TPHCM, nhớ lại ngày đầu thử việc như một trải nghiệm khó quên. Anh phải chi gần nửa tiền lương tháng để chi trả cho bữa ăn mời đồng nghiệp chỉ vì là... người mới.

Ác mộng

"Mới vào công ty được mấy ngày thì một chị trong công ty đề xuất tôi nên mời mọi người đi ăn một bữa vì là người mới. Tôi khá sốc nhưng thấy mọi người bảo đây là 'lệ', ai mới vào công ty cũng như vậy, là thứ quy tắc mà nhân viên mới nào cũng phải trải qua. Để giữ thể diện và không bị mọi người xa lánh, tôi cũng bấm bụng... mời", Minh Anh chia sẻ.

Để có tiền lo cho bữa ăn ấy, Minh Anh đã phải "cắt" bớt nhiều chi tiêu cá nhân. Anh cho biết, mình mất hơn 3 triệu đồng cho bữa ăn ép uổng đó. Câu chuyện của Minh Anh không phải là trường hợp hiếm trong môi trường công sở. Tương tự, Hải Minh (23 tuổi), mới tốt nghiệp ngành marketing, cũng gặp phải tình cảnh tương tự khi vừa nhận vào làm tại một công ty ở quận 7 với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Với đồng lương ít ỏi này, Hải Minh phải chi trả cho phí sinh hoạt, tiền trọ, ăn uống, xăng xe,... Vừa nhận tháng lương đầu tiên, Hải Minh được đồng nghiệp "nhắc nhở": "Nhận lương rồi mua cà phê, trà sữa mời mọi người đi". "Sinh viên mới ra trường còn thiếu thốn, thu nhập chưa có, phải 'thắt lưng buộc bụng' mong đến ngày nhận lương. Vừa nhận lương phải chi một khoản lớn để mời mọi người, thật sự trong lòng không thoải mái gì mà đành chấp nhận", Hải Minh nói.

Không dừng lại ở đó, mỗi ngày sau giờ ăn trưa, đồng nghiệp thường đồng loạt nhờ Hải Minh đặt cà phê, trà sữa... "Một ly trà sữa khoảng 40-60 nghìn đồng. Sau mỗi lần đặt trà sữa có người trả lại tiền, có người không trả mà cũng không thấy nói gì", cậu bức xúc.

Những khoản chi tiêu này không lớn nhưng lại trở thành gánh nặng cho những nhân viên mới có thu nhập còn hạn chế. Điều khiến họ cảm thấy ấm ức hơn cả là cảm giác bị lợi dụng và thiếu tôn trọng. "Lính mới" đi làm vốn đã áp lực công việc, nhưng nỗi ngán ngẩm vì bị sai vặt, bị lợi dụng còn lớn hơn. Không đặt trà, cà phê thì bị "tẩy chay" nhưng mỗi lần đặt đều phải ngậm đắng... bù tiền. Đó cũng là lý do sau 1 tháng, Hải Minh quyết định nghỉ việc, tìm nơi khác.

Chia sẻ về vấn đề này, giám đốc điều hành một công ty kinh doanh thực phẩm cho rằng: "Tùy vào mỗi doanh nghiệp, cách xử lý vấn đề này khác nhau. Tuy nhiên, người quản lý cần chủ động xây dựng môi trường lành mạnh nơi công sở và giải quyết kịp thời những chuyện tế nhị, không để ai bị 'tẩy chay', cô lập".

Vị giám đốc này nhấn mạnh: "Khi tuyển dụng nhân sự là sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp cần chia sẻ và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp các nhân sự sớm hòa nhập văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện trong công việc để nhân viên mới thích nghi và có động lực làm việc, từ đó gắn bó lâu dài".

Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần DH Foods, cho rằng: "Sinh viên thực tập, nhân viên mới đi làm thường gặp nhiều khó khăn, lương thấp. Do đó, một nhân viên mới mời cả phòng ăn uống sẽ tốn nhiều chi phí. Thay vào đó, công ty nên có quỹ khi tổ chức ăn, uống... để mọi người đều vui".

Ông Dũng nhấn mạnh: "Sau những buổi giao lưu, các nhân viên sẽ gắn kết và hỗ trợ nhau trong công việc, từ đó giúp người mới có động lực tiếp tục đóng góp phát triển. Để xây dựng một môi trường lành mạnh đòi hỏi mọi người phải tôn trọng lẫn nhau. Công ty tôn trọng nhân viên, thể hiện bằng chế độ lương, thưởng, công việc phù hợp,... nhân viên cống hiến bằng khả năng của mình. Hai bên tôn trọng lẫn nhau sẽ tạo nên sự gắn kết bền vững, hướng đến kết quả tốt đẹp, lâu dài".