Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang di chuyển rất nhanh và dự báo sẽ mạnh lên thành bão số 4 vào sáng mai. Dự báo cơn bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền khu vực Trung Trung Bộ, gây mưa lớn diện rộng và nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.
Bão số 4 trên Biển Đông tiếp cận đất liền, thời gian ứng phó rất ngắn
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang di chuyển rất nhanh với vận tốc 25-30 km/h và dự kiến sẽ mạnh lên thành bão số 4 vào sáng mai. Trung tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520 km về phía đông, với sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 7, giật cấp 9.
Các nhà dự báo thời tiết cho biết, kịch bản có xác suất cao nhất là sau khi đến quần đảo Hoàng Sa, bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc, hướng vào vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Kịch bản này có xác suất khoảng 70%.
Nếu theo kịch bản này, thì đến 19h tối 19/9, tâm bão cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 180 km về phía đông đông nam, với sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 8-9, giật cấp 11.
Hai kịch bản khác có xác suất thấp hơn là bão lên vịnh Bắc Bộ hoặc đi xuống khu vực phía nam miền Trung, mỗi kịch bản chỉ có xác suất khoảng 15%.
Điều đáng lo ngại là cơn bão này sẽ tác động vào đất liền từ rất sớm, với thời gian ứng phó rất ngắn. Dự báo từ khoảng trưa mai, rìa phía tây của cơn bão sẽ bắt đầu gây mưa rải rác cho khu vực Trung Trung Bộ.
Từ ngày 19-21/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa rất lớn diện rộng, với lượng mưa từ 100-300 mm, có nơi trên 500 mm. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Dưới ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay và ngày mai, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sóng biển cao 2-4 m ở khu vực Bắc Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.
Từ đêm mai, vùng gió mạnh sẽ mở rộng đến vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, với sóng biển cao từ 2-3 m, vùng gần tâm bão từ 3-5 m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo mới nhất và chủ động các biện pháp ứng phó với bão.
Các địa phương cần rà soát, củng cố hệ thống đê điều, cầu, cống; chuẩn bị phương án sơ tán dân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão; đồng thời chuẩn bị các vật dụng, lương thực, thuốc men cần thiết để đối phó với tình huống khẩn cấp.