Đến 16h chiều nay (3/9), bão số 3 Yagi đã mạnh lên cấp 10-12, dự báo tăng cấp mạnh lên cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới. TS. Nguyễn Ngọc Huy khẳng định bão đạt cấp Cuồng phong vào tối mai (4/9) và khả năng mạnh thành Siêu bão khi tiếp cận bờ biển Trung Quốc vào 6/9.
Bão Yagi đạt cấp Cuồng phong, không loại trừ khả năng thành Siêu bão
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 16h chiều nay (3/9), tâm bão Yagi đang ở vùng biển phía Đông Bắc Bộ Biển Đông, với sức gió mạnh nhất cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15km/h.
Dự báo, trong những ngày tới, bão tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16. Bão di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, đã đưa ra nhận định về cường độ và hướng di chuyển của bão số 3. Theo TS. Huy, bão Yagi đã rời khỏi Luzon, nơi được xem như "trận đồ phá bão" vì có nhiều dãy núi cao và rãnh sâu. Sau khi thoát khỏi Luzon, bão có điều kiện thuận lợi để phát triển vì không còn chướng ngại vật cản đường.
Ngoài ra, nền nhiệt bề mặt biển ở Bắc Biển Đông đang rất cao (31⁰C) sẽ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho bão mạnh lên. Dự kiến, Yagi sẽ sớm đạt cấp độ Cuồng phong (typhoon) vào tối mai (4/9) và không loại trừ khả năng mạnh lên thành cấp Siêu bão (super typhoon) vào ngày 6/9, khi bão tiếp cận bờ biển đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc.
Đường đi của bão Yagi còn phụ thuộc vào địa hình ở khu vực đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu. Nếu bão đi qua giữa hoặc phía Nam đảo Hải Nam, bão sẽ giảm cấp đáng kể vì địa hình đồi núi cao. Tuy nhiên, nếu bão đi qua eo biển giữa Hải Nam và Lôi Châu, bão sẽ không giảm cấp nhiều và gây nguy hiểm cho Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Hiện tại, các mô hình dự báo của Mỹ, Canada và châu Âu đang có sự khác biệt về đường đi của bão. Mô hình GFS của Mỹ và CMC của Canada dự đoán bão sẽ vào bán đảo Lôi Châu, trong khi mô hình ECMWF của châu Âu dự đoán bão sẽ đi qua đảo Hải Nam.
TS. Huy thiên về mô hình của châu Âu hơn vì áp cao lục địa đang hình thành ở phía cao nguyên Tây Tạng sẽ ép tâm bão Yagi đi hướng chính Tây hoặc chỉ chếch Tây Bắc một chút, thay vì đi hướng Tây Bắc vào đất liền Trung Quốc.
Dù có giảm cấp sau khi rời khỏi Lôi Châu hoặc Hải Nam, gió gần bờ khi tiếp cận đất liền phía Bắc Việt Nam vẫn duy trì cấp 13, giật cấp 14 và 15. Các tỉnh, thành ven biển và cả trong đất liền khu vực Bắc Bộ từ Thanh Hóa tới Quảng Ninh cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó bão.
Người dân cần gia cố lại mái nhà bằng bao cát hoặc bao nilon chứa nước. Nhà yếu, nhà ở vùng thấp trũng thì tính phương án sơ tán người và tài sản. Người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tuân theo các chỉ đạo của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn.