Ông Phong, một người nông dân Trung Quốc, chia sẻ câu chuyện gây chú ý trên mạng xã hội về người con trai ngoài 30 tuổi vẫn thất nghiệp, sống phụ thuộc vào cha mẹ. Trong khi đó, con trai của người hàng xóm cùng tuổi lại đã có sự nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc.
Cha bất lực trước con trai thất bại: "Bằng tuổi con hàng xóm nhưng con tôi chẳng bằng người ta!
Trong hơn nửa đời người, ông Phong đã quen thuộc với cuộc sống "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên cánh đồng. Ông không có nhiều kỳ vọng về việc thay đổi cuộc đời mình nhưng lại vô cùng trăn trở về người con trai đã ngoài 30 tuổi vẫn ở nhà suốt mấy năm nay.
Khi còn nhỏ, con ông Phong và con ông Hải, người hàng xóm, thân thiết với nhau như anh em. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp cấp 2, khoảng cách giữa hai đứa trẻ ngày càng rõ ràng. Con ông Phong đỗ vào một trường trọng điểm, trong khi con ông Hải học trung cấp nghề.
Ông Hải tâm sự: "Tôi luôn mong con mình đỗ đạt, có công việc ổn định để không vất vả như mình. Nhưng con tôi không học giỏi bằng con ông, tương lai khó có thể thay đổi."
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, con ông Phong tiếp tục đỗ vào một trường đại học thuộc dự án 221 ngành Tài chính quốc tế. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, ông Hải cũng đến chúc mừng và nói đùa: "Sau này con ông thành đạt nhớ giúp đỡ con tôi."
Tuy nhiên, sau 10 năm, mọi thứ đã đảo ngược hoàn toàn. Con ông Phong không đỗ kỳ thi thạc sĩ và phải đi làm ở Quảng Châu. Sau 2 năm, không chịu được áp lực, cậu quyết định về quê tìm việc nhưng mức lương không đáp ứng được nhu cầu.
Con ông Phong quay sang thi công chức nhưng vẫn liên tục bị trượt. "Cuối cùng, thằng bé về nhà, không chịu tìm việc nữa", ông Phong thở dài. Ông nhiều lần khuyên con vào khu công nghiệp làm công nhân nhưng cậu cương quyết từ chối.
Trong khi đó, con trai ông Hải giờ đã có sự nghiệp ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, anh làm việc trong một nhà máy lớn ở Quảng Đông. Gần đây, anh bắt đầu kinh doanh dịch vụ thuê máy bay không người lái phun thuốc cho nông dân. Nhu cầu ngày càng tăng cao, anh tiếp tục mở rộng sang nhiều khu vực khác.
"Đến tuổi này, tôi mới hiểu bằng cấp chỉ mở ra cơ hội chứ không phải tất cả", ông Phong đúc kết. "Tôi mong câu chuyện của con tôi giúp các bạn trẻ nhận ra rằng tự nuôi sống bản thân là điều quan trọng nhất."
Câu chuyện của ông Phong đã gây xúc động mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người đồng tình rằng bằng cấp tuy quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công. Cũng có không ít người chỉ trích ông Phong nuông chiều con trai quá mức, khiến cậu trở nên ỷ lại.
Dù vậy, ông Phong vẫn bày tỏ sự bất lực của mình: "Chúng tôi cố gắng nuôi nấng con thật tốt, nhưng đến giờ vẫn không thể dìu dắt thằng bé trên con đường đúng đắn."
Ông Phong hy vọng câu chuyện của mình sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và các bạn trẻ, rằng cần phải nhận thức được thực tế sớm nhất có thể để tránh những hối tiếc muộn màng.