Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương", năm học 2024-2025 là bước ngoặt quan trọng với nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT triển khai, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chuẩn bị cho một chương trình giảng dạy mới.
Chuẩn bị thềm năm học mới 2024-2025: Nhiệm vụ trọng tâm hướng đến đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng
Năm học 2024-2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định chủ đề là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương" với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển, ngành Giáo dục được giao sứ mệnh quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Năm học 2024-2025 sẽ đánh dấu bước khởi đầu cho chương trình giáo dục mầm non mới, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho các em nhỏ trong hành trình học tập tiếp theo. Chương trình mới được xây dựng dựa trên những nghiên cứu khoa học mới nhất, chú trọng phát triển toàn diện các kỹ năng và phẩm chất của trẻ, đồng thời tăng cường sự tương tác giữa trẻ, gia đình và cộng đồng.
Chuẩn bị thềm năm học mới 2024-2025: Nhiệm vụ trọng tâm hướng đến đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng
Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh chủ trương tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế và thực chất. Các trường đại học được trao quyền tự chủ trong việc xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng và quản lý đội ngũ giảng viên, cũng như huy động nguồn lực tài chính.
Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng triển khai toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Sau 4 năm triển khai từng lớp, từng cấp học, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành đánh giá toàn diện kết quả thực hiện chương trình, đồng thời chuẩn bị cơ sở cho việc đổi mới tiếp theo.
Chuẩn bị thềm năm học mới 2024-2025: Nhiệm vụ trọng tâm hướng đến đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng
Sự kiện quan trọng của năm học 2024-2025 là kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên được tổ chức theo chương trình GDPT 2018. Đây là năm học quan trọng đối với học sinh cuối cấp, đồng thời cũng là thử thách đối với các cơ sở giáo dục và toàn ngành Giáo dục.
Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 rất sớm, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội. Các Sở GD-ĐT đã sẵn sàng phương án tổ chức thi, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Để đảm bảo đội ngũ giáo viên về số lượng, chất lượng, cơ cấu, Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đồng thời xây dựng Luật Nhà giáo. Luật này sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, cũng như trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Những chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, thay đổi về tiền lương cơ bản, cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương nhằm thu hút và giữ chân giáo viên đang tạo ra những chuyển động tích cực.
Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Là cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận vào tháng 5/2024. Ngày 27/8 vừa qua, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, cũng như các em học sinh, sinh viên. Nhấn mạnh sự cần thiết của sự nỗ lực, quyết tâm mới trong năm học mới, Bộ trưởng Sơn kỳ vọng giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Ông chúc các thầy cô giáo thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến, chúc các em học sinh, sinh viên có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ.