Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ "hái ra tiền" từ cánh đồng măng tây xanh

Từng là một nha sĩ có công việc ổn định, anh Lê Văn Hùng đã quyết định từ bỏ nghề để theo đuổi "vua của các loại rau" măng tây xanh. Với 10 sào măng tây, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng mỗi năm, mở ra một hướng đi mới cho nhiều nông dân.

Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ

Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ "hái ra tiền" từ cánh đồng măng tây xanh

Trên cánh đồng xanh mướt tại xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), anh Lê Văn Hùng (39 tuổi, thôn Thanh Thịnh) đang tất bật thúc giục các lao động thu gom những bó măng tây xanh vào những giờ sáng sớm. Anh chia sẻ, thời điểm lý tưởng để thu hoạch măng là từ 4-6h, khi chưa có ánh nắng mặt trời, giúp măng không bị héo và đảm bảo chất lượng.

Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ

Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ "hái ra tiền" từ cánh đồng măng tây xanh

Cơ duyên đưa anh Hùng đến với măng tây xanh bắt nguồn từ mong muốn cải thiện kinh tế của một nha sĩ có công việc ổn định. Anh tiếc nuối thấy những "bờ xôi, ruộng mật" bị bỏ hoang, nên quyết định thử sức với cây trồng này.

Năm 2017, anh Hùng đầu tư hơn 300 triệu đồng vào hệ thống tưới tiêu và bắt đầu trồng lứa măng tây xanh đầu tiên. Sau 4 tháng, những cây măng con đạt chiều cao 20-30cm, anh bắt đầu thu hoạch. Hiện nay, diện tích măng tây xanh của gia đình anh đã lên tới 10 sào.

Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ

Chuyển nghề bất ngờ: Nha sĩ "hái ra tiền" từ cánh đồng măng tây xanh

Với diện tích măng tây trên, gia đình anh Hùng thu hoạch 4 vụ mỗi năm, mỗi vụ kéo dài hơn 2 tháng. "Người nhổ, người thu, xếp, cắt măng, sau 3 giờ đồng hồ ở vườn, 4 lao động hái được 40kg măng, với giá bán 55.000 đồng/kg, tôi có tiền triệu trong ngày", anh Hùng phấn khởi chia sẻ.

Măng tây xanh giống khỏe, phù hợp với đất cát pha, trồng 1 lần có thể thu hoạch liên tục được 7-10 năm. Từ năm thứ 2 trở đi, cây cho măng nhiều. Vào mùa xuân và mùa thu, măng mọc tua tủa, đạt sản lượng cao nhất trong năm.

"Măng tây xanh năng suất gấp 8 lần so với trồng lúa, khoai, ngô. Đến nay, tôi chưa thấy trồng cây gì mang lại giá trị kinh tế "khủng" như măng tây xanh. Trong tương lai, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này", anh Hùng bày tỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng măng tây xanh đạt năng suất cao, anh Hùng cho biết người trồng phải chịu khó, tâm huyết và cẩn thận trong từng giai đoạn phát triển của cây. Anh thường hướng dẫn người làm xử lý đất, đánh luống, lên giàn, bón phân; sau mỗi lần thu hoạch, lại cắt cây, nhổ cỏ, xáo đất...

"Đây là "vua của các loại rau", khó trồng, yêu cầu kỹ thuật cao. Đơn cử, độ ẩm phải giữ ở mức 60%-70%, độ PH của đất giao động 6.0-7.0 độ, đất không bị phèn, không ngập úng, nhiệt độ trung bình 25-35 độ C", anh Hùng nhấn mạnh.

Vào mùa nắng, cần tưới cho măng trước 17h tránh làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú; mùa mưa phải làm rãnh thoát nước, tuyệt đối không để đất bị ngập úng, nếu không cây măng tây sẽ bị thối rễ. Măng tây xanh chủ yếu bị bệnh nấm mốc nên người trồng cần rắc vôi bột cho cây.

Xác định làm nông nghiệp sạch, vườn măng tây xanh của anh Hùng không sử dụng thuốc, phân bón hóa học trong khâu chăm sóc. Thay vào đó, anh sử dụng các chế phẩm sinh học, tận dụng nguồn phân bón hữu cơ ở địa phương.

Để chăm sóc vườn măng, anh Hùng thuê 1 lao động thường xuyên, đến vụ thu hoạch anh gọi thêm 3 công nhân thời vụ. Mức lương trả cho mỗi lao động dao động 180.000-200.000 đồng/người/ngày, tùy vào công việc.

Theo anh Hùng, măng tây xanh được ví là "vua của các loại rau" bởi hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn loại cây này để chế biến bữa ăn cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Châu, cho biết toàn xã có khoảng 3ha măng tây xanh. Anh Hùng là một trong những hộ trồng măng tây xanh nhiều nhất trong xã.

"Lợi nhuận từ trồng măng tây xanh là rất lớn, thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét mở rộng diện tích, tìm thêm đơn vị liên kết để nhiều hộ gia đình có cơ hội tiếp cận sản xuất cây măng tây xanh", bà Lan nói.