Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Để mưu sinh ở nơi đất khách quê người, nhiều công nhân đành gửi gắm con cái cho ông bà, cha mẹ ở quê nhà. Đằng sau những đồng lương ít ỏi là nỗi trăn trở không nguôi về tương lai giáo dục và chăm sóc của các em.

Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Chị Ma Thị Nga, một công nhân đã gắn bó 9 năm với một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Thái Nguyên, vẫn nhớ như in hành trình trăn trở đưa ra quyết định tìm việc ở xa để thoát khỏi cuộc sống khó khăn ở vùng quê nghèo. Chồng chị cũng tìm việc bốc vác cho doanh nghiệp tư nhân để cùng nhau lo lắng cho gia đình.

Để thuận tiện cho công việc tăng ca, nhiều công nhân như chị Nga phải sống trong những phòng trọ chật hẹp, đồ đạc chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Dù nỗi nhớ con da diết, nhưng đặc thù công việc khiến chị không thể đèo bồng con dưới thành phố.

Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Con lớn của chị Nga đã lên lớp 6, còn con thứ hai đang tuổi lên 3. Hàng tuần, chị và chồng vượt 70km về thăm con. Tuy nhiên, khi có con nhỏ, chị Nga không còn đủ sức đi lại thường xuyên như trước. Chỉ có những ngày nghỉ dài, gia đình chị mới trở về quê nhà.

Vì làm ca kíp, chị Nga phải gửi con ở trường tư. Những ngày tăng ca đến 19h, con của chị vẫn quanh quẩn ở trường học nhờ các cô trông thêm. Chính vì vậy, mỗi tháng tiền học cho con dao động 1,5-1,8 triệu đồng.

Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Công nhân xa xứ: Nỗi niềm xa con, mong ước kiếm tiền

Sau khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng, thu nhập bao gồm tăng ca của nữ công nhân dao động 6,5-7 triệu đồng/tháng. Cùng với đồng lương 7 triệu của chồng, gia đình chị cố gắng dành 4 triệu đồng gửi về quê cho ông bà, con cái chi tiêu và học hành.

Bố mất sớm, Lý Thị Chuyên phải một mình xuống thành phố Thái Nguyên làm công nhân. Mẹ cô cũng đến Hà Nội làm thuê để kiếm thêm thu nhập nuôi em gái đang học lớp 12. Chị Chuyên thuê phòng trọ chật hẹp chừng 10m2 để tiện đi lại đến công ty. Tiền điện, nước mỗi tháng cũng "đốt" của chị 1,5 triệu đồng.

Giá cả ngày càng đắt đỏ, để có tiền dư mỗi tháng, chị Chuyên dậy sớm nấu cơm ăn trước khi đi làm và dành phần còn lại cho bữa tối. Bởi chị cho rằng nếu mỗi ngày đều ăn suất cơm 30.000 đồng ở ngoài thì cuối tháng sẽ rất tốn kém.

Lương có hạn, nên chị Chuyên cũng như nhiều gia đình công nhân khác phải thắt chặt chi tiêu hằng tháng. Mong mỏi lớn nhất của chị là công ty có nhiều đơn hàng để tăng ca, có thêm thu nhập.

Để bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống cho công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với nhiều doanh nghiệp về tăng lương cơ bản, tăng ca, làm thêm giờ, thời giờ làm việc. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng làm việc với các đối tác để ký kết thêm nhiều thỏa thuận hợp tác nâng cao phúc lợi cho người lao động.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ người lao động bằng tiền và hiện vật với số tiền hàng tỷ đồng. Những nỗ lực này nhằm giúp người lao động có môi trường làm việc và đời sống tốt hơn, đồng thời chia sẻ một phần nỗi lo cho những công nhân xa xứ, phải gửi gắm con cái ở quê nhà.