Cử tri cho rằng quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại 60 tuổi đối với giáo viên mầm non, y tá, điều dưỡng không còn phù hợp với thực tế. Bộ LĐTB-XH cho biết sẽ xem xét ý kiến và cân nhắc bổ sung vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cử tri tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá các yếu tố đặc thù về điều kiện lao động của giáo viên mầm non, y tá, điều dưỡng trong các cơ sở y tế. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị bổ sung các nghề này vào "Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...".
Các cử tri cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại là 60 tuổi đối với nhóm đối tượng này không còn phù hợp với thực tế. Bởi vì theo họ, sức khỏe, độ nhanh nhẹn và khả năng thực hiện các thao tác chuyên môn của những nghề này sau tuổi 60 sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Bộ LĐTB-XH cho biết, Thông tư số 29 năm 2021 quy định Bộ LĐTB-XH quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Bộ sẽ xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.
Về tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐTB-XH khẳng định chế độ hưu trí là một chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi về già. Theo quy định của pháp luật về BHXH, người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28 của BCH Trung ương khóa 12. Thể chế hóa chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.
Bộ LĐTB-XH cho biết, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề. Mục đích là đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.
Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn đề nghị bổ sung vào Danh mục nghề đối với giáo viên mầm non và nhân viên thiết bị, thí nghiệm. Tuy nhiên, Bộ LĐTB-XH chưa có cơ sở để xem xét, bổ sung vì Bộ GD-ĐT không gửi kèm hồ sơ theo đúng quy định.
Bộ LĐTB-XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, sửa đổi Danh mục nghề, trong đó cân nhắc bổ sung các nghề như giáo viên mầm non, y tá, điều dưỡng vào nhóm nghề có điều kiện lao động đặc thù. Việc này sẽ góp phần đảm bảo công bằng, hợp lý trong việc xét điều kiện tuổi nghỉ hưu cho người lao động, phù hợp với thực tế và đặc thù nghề nghiệp.