Cuộc sống kiệt sức của tài xế xe công nghệ: Không còn thời gian cho bản thân, gia đình

Hằng ngày, tài xế xe công nghệ phải vật lộn với cuộc sống đầy áp lực, thu nhập bấp bênh và những cảnh ngộ đáng thương. Không còn thời gian cho gia đình, bản thân, sức khỏe bị bào mòn, họ vẫn phải cắn răng chịu đựng vì không còn cách nào khác.

Cuộc sống kiệt sức của tài xế xe công nghệ: Không còn thời gian cho bản thân, gia đình

Trở về nhà sau gần 20 giờ lái xe, anh L.M.T. (42 tuổi) cảm thấy kiệt sức. Vợ con đã ngủ say, anh ngậm ngùi leo lên giường chỉ để chợp mắt một lát.

Cuộc sống kiệt sức của tài xế xe công nghệ: Không còn thời gian cho bản thân, gia đình

Chỉ bốn giờ sau, anh lại vùng dậy, tiếp tục hành trình mưu sinh. Cứ thế, sáu năm qua, anh hầu như ngày nào cũng về nhà khi vợ con đã ngủ và rời đi khi gia đình chưa thức.

Dạo gần đây, thu nhập của anh T. giảm một nửa so với trước. Thay vì chỉ làm việc hơn 10 tiếng, anh phải "tăng tốc", chạy gần 20 tiếng/ngày.

Cuộc sống kiệt sức của tài xế xe công nghệ: Không còn thời gian cho bản thân, gia đình

"Mỗi ngày, mở mắt ra là tốn mấy trăm nghìn. Tiền trọ, điện, nước, tiền học cho con, ăn uống,... sừng sững trước mắt. Nói thật, cực kỳ áp lực!", anh T. chia sẻ.

Anh T. từng có nhà ở TPHCM, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên đành bán nhà, thuê trọ ở tỉnh Long An để sống. Hàng ngày, anh đều chạy xe hàng chục km lên thành phố. Ăn "bụi", ngủ "bụi", sức khỏe anh dần hao mòn.

Cuộc sống kiệt sức của tài xế xe công nghệ: Không còn thời gian cho bản thân, gia đình

Anh T. cho rằng nghề tài xế là nghề "làm dâu trăm họ" vì phải làm vừa lòng mọi người mà không dám lên tiếng.

"Có những khách hàng không hiểu, chỉ vì một vài hiểu lầm nhỏ mà đánh giá tài xế 1 sao. Không giải thích được thì lại bị trừ điểm", anh thở dài nói.

Cuộc sống kiệt sức của tài xế xe công nghệ: Không còn thời gian cho bản thân, gia đình

Sự cạnh tranh trong nghề cao khiến áp lực của tài xế xe công nghệ ngày càng tăng. Anh Nguyễn Huy Bình (41 tuổi) cũng nhiều lần trải qua cảm giác bị nhân viên quán cơm coi thường.

"Chúng tôi là tài xế, đại diện cho khách hàng đến lấy món, nhưng có nhiều quán họ ưu tiên khách đến mua trực tiếp", anh Bình bức xúc.

Làm nghề hơn một năm, anh Bình đã sớm thấm thía đủ mọi "đắng cay" mà nghề mang lại. Không chỉ áp lực, anh còn cảm nhận sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt. Để kiếm thêm thu nhập, anh phải làm việc đến mức quên ăn, khiến bệnh dạ dày ngày càng tệ hơn.

"Nhiều người khuyên thấy cực quá thì kiếm nghề khác làm, nhưng bây giờ kiếm việc đâu phải dễ", anh Bình thở dài.

Thấu hiểu những vất vả của tài xế, Nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân đã tổ chức nhiều mô hình hỗ trợ. Mới nhất là "Điểm dừng chân" được bố trí tại một quán cà phê. Tại đây, tài xế có thể ngồi nghỉ, được cho trà đá, mì gói và wifi miễn phí.

"Mục đích của mô hình này là để các tài xế có nơi nghỉ ngơi, cùng trò chuyện, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để công việc trở nên nhẹ nhàng hơn", anh Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn, chia sẻ.

Đối với những tài xế có hoàn cảnh khó khăn, Nghiệp đoàn cũng sẵn sàng xem xét, hỗ trợ tiền cho tài xế, tùy vào hoàn cảnh và tính chất sự việc.

Tuy vậy, cuộc sống của tài xế xe công nghệ vẫn còn nhiều chông gai. Họ vẫn phải chạy đua với thời gian, với áp lực thu nhập và những hiểm nguy luôn rình rập trên đường. Nhưng họ vẫn chưa thể buông bỏ công việc này vì không còn cách nào khác để kiếm sống.