Đại án đăng kiểm: Cựu cục trưởng nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm bị can bị truy tố

Hàng loạt sai phạm tại hệ thống Đăng kiểm Việt Nam thời gian qua đã bị phanh phui, đưa ra ánh sáng. Các cựu cục trưởng Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình cùng nhiều bị can khác bị truy tố với danh sách tội danh dài. Hành vi tham nhũng có tổ chức này gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dân và nền kinh tế.

Đại án đăng kiểm: Cựu cục trưởng nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm bị can bị truy tố

Theo cáo trạng, cựu cục trưởng Đặng Việt Hà là người đứng đầu hệ thống Đăng kiểm Việt Nam, có trách nhiệm chỉ đạo mọi hoạt động, quản lý công tác đăng kiểm trên toàn quốc. Tuy nhiên, ông Hà đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn đến hàng loạt sai phạm, tiêu cực kéo dài.

Đại án đăng kiểm: Cựu cục trưởng nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm bị can bị truy tố

Ông Hà được xác định đã "vì vụ lợi cá nhân", đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới và các Trung tâm Đăng kiểm nhận tiền hối lộ. Ông Hà thống nhất nguyên tắc "phải đảm bảo lợi ích của Hà là cao nhất".

Tổng số tiền hối lộ mà cựu cục trưởng Hà nhận được lên tới hơn 40 tỷ đồng, theo cáo trạng. Ông hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.

Cũng có hành vi tương tự như ông Hà, cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp và đơn vị đăng kiểm. Ông Hình bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép hoạt động Trung tâm Đăng kiểm và trong quá trình kiểm định phương tiện.

Nhà chức trách xác định, ông Hình nhận hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD. Ngoài ra, ông còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định, cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện.

Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) có chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện là đơn vị nhận hối lộ nhiều nhất. Quyền trưởng phòng Trần Anh Quân bị cáo buộc bỏ qua lỗi trên hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cải tạo xe và nhận tiền hối lộ.

Quân đã chia tiền hối lộ với 12 đăng kiểm viên phòng VAR và phải chịu trách nhiệm về tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn nhận hối lộ 9.500 USD trong quá trình cấp phép cho Trung tâm Đăng kiểm 50-19D.

Ngoài hai cựu cục trưởng, còn có 252 bị can khác thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng bị truy tố.

Các bị can bị cáo buộc về nhiều tội danh như Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản.

Trong quá trình điều tra, hầu hết các bị can đã thành khẩn khai nhận hành vi sai phạm và tỏ ra ăn năn hối cải. Một số bị can đã nộp lại một phần tiền hưởng lợi bất chính, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra.

Cảnh sát đã thu hồi, tạm giữ tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả.

Đại án đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm đến cấp trung tâm. Khi vụ án được phát hiện, hầu hết các trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị dừng hoạt động để làm rõ sai phạm, ảnh hưởng nặng nề đến người dân.

Đây là lần đầu tiên ngành Đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục. Ngoài các bị can bị xử lý hình sự, Đảng ủy Cục Đăng kiểm đã kỷ luật cảnh cáo 10 chi bộ, khai trừ Đảng 47 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt Đảng 24 đảng viên sai phạm.