Mùa mưa bão đang đến gần, EVNHCMC đã và đang triển khai các phương án đảm bảo cấp điện an toàn, phòng tránh tai nạn điện cho người dân. Các công ty điện lực trực thuộc EVNHCMC tăng cường rà soát, tuyên truyền, nâng cấp hệ thống điện để hạn chế tối đa các sự cố về điện.
Đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão: EVNHCMC triển khai nhiều biện pháp hiệu quả
Đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành điện. Ngay từ đầu năm, EVNHCMC đã lập kế hoạch chi tiết để triển khai các biện pháp phòng ngừa và xử lý sự cố, đảm bảo cấp điện cho người dân trong mọi tình huống bất lợi của thời tiết.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết: Từ tháng 3 và 4, EVNHCMC đã tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng. Các đơn vị điện lực thành viên và bộ phận liên quan thực hiện các phương án đã đề ra, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền về an toàn điện tại những khu dân cư dễ bị ảnh hưởng như vùng ngập úng, sạt lở.
Đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão: EVNHCMC triển khai nhiều biện pháp hiệu quả
Tại EVNHCMC, Công ty Điện lực Duyên Hải là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hệ thống điện ở địa bàn huyện Nhà Bè và Cần Giờ – khu vực có đặc thù đường điện kéo dài qua nhiều vị trí cây xanh cao, ngập úng thường xuyên. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Duyên Hải đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động ứng phó với các tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho người dân.
Theo anh Phạm Ngọc Sang, Tổ quản lý lưới điện 1, Đội quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Duyên Hải, anh cùng các đồng nghiệp luôn được chỉ đạo kiểm tra và thực hiện công tác phát quang, chặt tỉa, mé nhánh cây xanh trong hành lang an toàn lưới điện các tuyến dây 22kV. Công ty thường xuyên phân công khoảng 2-3 nhóm thực hiện công tác này từ 2-3 lần/tuần.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Duyên Hải còn phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn để tăng cường tuyên truyền về an toàn điện, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới điện. Ông Võ Ngọc Dũng, Chủ tịch UBMTTQ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè chia sẻ: Chính quyền xã và các đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động khảo sát, kiểm tra và thay mới các đường dây điện cũ, hư hỏng cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Khi có thông tin về mưa bão, chính quyền xã phối hợp tuyên truyền cho người dân chằng chống các mái nhà tạm và kiểm tra lại hệ thống đường dây điện cùng ngành điện.
Để ứng phó với tình trạng mưa lớn kéo dài, ngập úng và triều cường thường xảy ra trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực Duyên Hải tiến hành kiểm tra các thiết bị trên lưới, trạm biến áp, phân công các tổ đội kỹ thuật kiểm tra, phát dọn hành lang an toàn lưới điện. Các công nhân cũng tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo trì hệ thống điện trong gia đình, bảo vệ hành lang lưới điện. Người dân được khuyến khích phối hợp với ngành điện để cắt tỉa cây cối có nguy cơ gây sự cố.
Theo ông Trần Đình Nam, Phó giám đốc Kỹ thuật Công ty Điện lực Duyên Hải, đơn vị này sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra tổng thể lưới điện tại các khu vực trọng yếu, khu vực có nguy cơ ngập úng để xử lý theo từng mức độ ưu tiên. Các biện pháp cụ thể bao gồm gia cố kết cấu móng trụ điện, nâng cao các tủ điện, trạm điện ở khu vực thường xuyên ngập nước, củng cố hệ thống nối đất, phát quang hành lang lưới điện, thay thế các trụ điện không đảm bảo an toàn, lắp đặt các thiết bị đóng cắt điện tự động.
EVNHCMC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn điện khi mùa mưa bão đến. Khi có bão, mưa to, gió lớn, ngập úng, người dân cần tránh xa đường dây điện, trạm điện, không trú mưa dưới chân cột điện hay mái hiên trạm biến áp. Không tự ý leo lên cột điện, vượt qua hàng rào trạm điện hoặc chạm vào dây chằng cột. Các thiết bị điện gia đình cần đặt ở nơi khô ráo, cao để đảm bảo an toàn và tránh rò điện khi mưa to gây úng ngập. Khi có nguy cơ bị ngập nước, gia đình nên cắt ngay nguồn điện và không sử dụng bất kỳ thiết bị điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền ẩm ướt.
Khi phát hiện trụ điện đổ hoặc dây điện đứt, rơi, người dân không nên đến gần, cầm vào hoặc tiếp cận, mà cần báo ngay cho ngành điện qua tổng đài 1900 545454 hoặc chính quyền địa phương.