Đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, người lao động trong bối cảnh khó khăn

Trước tình hình đời sống công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn do tiền lương thấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần nâng cao mức sống cho nhóm đối tượng này.

Đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, người lao động trong bối cảnh khó khăn

Đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, người lao động trong bối cảnh khó khăn

Hiện nay, đời sống của công nhân, người lao động tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do tiền lương, thu nhập còn thấp. Để trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, họ thường xuyên phải tăng ca, dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.

Thấu hiểu những khó khăn mà công nhân, người lao động đang gặp phải, cử tri tỉnh Long An đã kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đưa ra những chính sách riêng để hỗ trợ và nâng cao mức sống cho họ. Đáp lại kiến nghị này, Bộ LĐ-TB&XH đã có những động thái tích cực.

Trong thời gian qua, kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức do nền kinh tế các nước là thị trường chính của Việt Nam có dấu hiệu suy thoái, nhu cầu giảm mạnh. Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ. Các cơ quan chuyên môn về lao động và bảo hiểm xã hội đã được chỉ đạo bố trí nhân lực, hướng dẫn và tổ chức chi trả kịp thời các chính sách cho người lao động, đảm bảo đúng đối tượng.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương chỉ đạo tổ chức dịch vụ việc làm, tăng cường tổ chức những phiên giao dịch việc làm, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động. Từ đó, người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp và tiếp cận những công việc có thu nhập cao hơn.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động với mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn và từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.

Trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Điều chỉnh này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, đồng thời không tác động lớn đến khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 1/7/2023, Chính phủ đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo tháng 6%, với các mức: vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng. Mức điều chỉnh này giúp bảo đảm mức sống tối thiểu và cải thiện hơn cho người lao động.

Hiên nay, Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, việc làm, cung - cầu lao động. Đồng thời, kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phân tích, đánh giá tình hình thị trường lao động, việc làm và đời sống của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục nghiên cứu và khuyến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu phù hợp với từng thời kỳ.