Đời sống giáo viên: Thu nhập chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu, áp lực tài chính lớn

Nghiên cứu của Viện Phát triển chính sách - Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy mặc dù thu nhập của giáo viên được cải thiện sau khi điều chỉnh lương cơ sở, nhưng vẫn chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Giáo viên phải gánh nhiều áp lực, từ tài chính, công việc đến phụ huynh học sinh.

Đời sống giáo viên: Thu nhập chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu, áp lực tài chính lớn

Đời sống giáo viên: Thu nhập chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu, áp lực tài chính lớn

Kể từ khi điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, thu nhập của giáo viên đã được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy thu nhập từ nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của nhóm không có làm thêm các nghề phụ. Đối với giáo viên có làm thêm nghề phụ, thu nhập đáp ứng khoảng 62,55%.

Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng.

Thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống khiến giáo viên phải chịu áp lực tài chính lớn. Điểm áp lực tài chính trung bình được đánh giá là 3,61/5, trong đó 44% giáo viên cho biết họ đang chịu áp lực đến rất áp lực. Chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái, không bị áp lực tài chính.

Ngoài áp lực tài chính, giáo viên còn phải chịu áp lực lớn từ công việc, bao gồm chuẩn bị bài giảng, họp bộ môn, các công việc hành chính, xã hội khác; áp lực liên quan các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh…

Tuy nhiên, hiện nay, giáo viên bị áp lực lớn nhất từ phụ huynh học sinh, với 70,21% cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực. Đồng thời, 40,63% giáo viên cho biết từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.

Kết quả khảo sát cũng thấy 71,83% giáo viên bị quá tải trong công việc, tỷ lệ này ở giáo viên mầm non là 87,65%. Gần 70% giáo viên mầm non không có thời gian hoạt động thể dục thể thao, giải trí và 46% giáo viên ở các cấp khác dành dưới 10% thời gian trong ngày cho hoạt động này.

Cũng theo khảo sát, 25,4% giáo viên cho biết đã dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn học như Toán, Văn, Anh Văn, Lý, Hóa.

Giáo viên dạy thêm ở cấp tiểu học là 8,6 giờ/tuần, cấp trung học cơ sở là 13,75 giờ/tuần và cấp phổ thông trung học là 14,91 giờ/tuần.

Dù thu nhập vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống cũng như gặp nhiều áp lực trong công việc, nhưng có tới 94,23% giáo viên cho biết họ tiếp tục theo đuổi nghề giáo vì lòng yêu nghề, yêu trò.

Gần 50% cho rằng họ gắn bó với nghề vì mức thu nhập hợp lý và vì các chính sách đãi ngộ tốt.

Chính sách quan trọng nhất được 89,18% giáo viên mong muốn là ưu đãi về tài chính, kế tiếp là việc giảm tuổi nghỉ hưu (83,91%), tăng thu nhập (83,57%) cũng như giảm các rào cản trong thăng hạng giáo viên (82,.96%)…