Giáo sư Võ Xuân Vinh bị gỡ bài báo từ Tạp chí uy tín, UEH nghiêm túc xử lý

Một bài báo có tên của Giáo sư Võ Xuân Vinh đã bị Tạp chí Environmental Science and Pollution Research của Nhà xuất bản Springer gỡ bỏ do chứa các cụm từ bị xuyên tạc. Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã vào cuộc làm rõ và nghiêm túc xử lý sự việc.

Giáo sư Võ Xuân Vinh bị gỡ bài báo từ Tạp chí uy tín, UEH nghiêm túc xử lý

Ngày 13/4/2021, tại bài báo "Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries", được xuất bản trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản Springer, GS Võ Xuân Vinh (UEH) có tên (vị trí thứ 5) trong nhóm 9 tác giả.

Giáo sư Võ Xuân Vinh bị gỡ bài báo từ Tạp chí uy tín, UEH nghiêm túc xử lý

Tuy nhiên, vào ngày 14/4/2024, bài báo này đã bị tạp chí gỡ bỏ do chứa một số cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases), bao gồm cả trong tiêu đề. Bài báo này thuộc nhóm các bài báo được bình duyệt bởi biên tập viên khách mời được tạp chí tổng điều tra, rà soát.

Theo UEH, sau khi phát hiện bị lạm danh, GS Võ Xuân Vinh đã chủ động liên hệ Tổng biên tập tạp chí từ ngày 15/2/2024, một tháng trước khi bài báo bị gỡ bỏ. Trong nội dung thư gửi, ông Vinh khẳng định không liên quan đến bài báo, quy trình nộp bài báo, không đồng ý và không cho phép việc tên mình ở mục tác giả của bài báo. Ông Vinh đã đề nghị tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo.

Ngày 21/3/2023, GS Vinh nhận được email hồi đáp từ Tổng biên tập tạp chí cho biết tác giả Mohammed Musah đã gửi thư cho Tổng biên tập xác nhận về việc tự ý đưa tên GS Võ Xuân Vinh vào bài báo mà không có sự đồng thuận từ phía ông Vinh, đồng thời xin lỗi về sự việc. Tạp chí cũng đã chuyển tiếp thư này đến bộ phận Liêm chính học thuật của Nhà xuất bản để xử lý các bước tiếp theo.

UEH khẳng định đã giải quyết sự việc với quy trình làm việc chặt chẽ, định hướng nhìn nhận thẳng thắn các sai phạm (nếu có) của cá nhân nhà nghiên cứu, đồng thời không quy kết thành tựu của cả quá trình.

Theo UEH, GS Võ Xuân Vinh không nhận tài trợ/thưởng từ nhà trường cho bài báo này và đã đưa được các minh chứng về việc bị lạm danh. UEH đề nghị GS Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác công bố quốc tế của cá nhân.

UEH cũng cho hay đã thành lập Hội đồng Liêm chính học thuật từ năm 2020 để thực hiện vai trò thẩm định các khía cạnh đạo đức, khoa học của nghiên cứu, từ đó, phê duyệt, nghiệm thu; hỗ trợ các công trình nghiên cứu hàn lâm; cảnh báo thường xuyên những danh mục tạp chí bị loại khỏi Scopus, danh mục nhà xuất bản săn mồi, giả mạo; "bẫy nghiên cứu" có thể mắc phải.

Hội đồng Liêm chính học thuật cũng có trách nhiệm ban hành và chuẩn hóa "Bộ quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học", được áp dụng đối với cộng đồng nhà nghiên cứu trực thuộc UEH và hơn 100 nhà khoa học nước ngoài cộng tác.

Giám đốc UEH, GS Sử Đình Thành cho biết: "Chiến lược quốc tế hóa của UEH đặt phát triển nghiên cứu và công bố quốc tế là năng lực trọng tâm. Dù vậy, đây là một quá trình hàm chứa nhiều rủi ro mà không chỉ nhà trường mà một số đại học uy tín, lâu đời, có kinh nghiệm trên thế giới cũng phải đối mặt. Sự việc vừa qua là một ví dụ. UEH là một tập thể các nhà nghiên cứu hoạt động với tinh thần nghiêm túc, thượng tôn các quy định liêm chính học thuật."