Hà Nội đón bão Yagi, cảnh báo mưa to, ngập úng và sạt lở đất

Dưới tác động của bão số 3 (Yagi), từ sáng 7/9 đến ngày 9/9, Hà Nội đối mặt với mưa to đến rất to và giông. Lượng mưa lớn, lên tới hơn 400mm ở một số nơi, có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đáng kể đến giao thông, sinh hoạt của người dân.

Hà Nội đón bão Yagi, cảnh báo mưa to, ngập úng và sạt lở đất

Hà Nội đón bão Yagi, cảnh báo mưa to, ngập úng và sạt lở đất

Theo dự báo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, bão số 3 đạt cấp siêu bão và duy trì cường độ mạnh, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/giờ. Dự kiến chiều tối 7/9, bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Nam Định) với sức gió cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14.

Từ sáng 7/9 đến ngày 9/9, Hà Nội sẽ trải qua đợt mưa to đến rất to và giông. Lượng mưa dự báo tại nhiều quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện ngoại thành là từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm. Riêng thị xã Sơn Tây và các huyện có lượng mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.

Lượng mưa lớn này có khả năng gây úng ngập nhiều tuyến phố, khu dân cư tại TP Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Mưa lớn cũng có thể làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông. Hệ thống thoát nước đô thị có thể bị quá tải, dẫn đến ngập úng trong các khu dân cư và ách tắc giao thông.

Ngoài nguy cơ ngập úng, người dân một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ cần đề phòng sạt lở đất ở vùng đồi núi. Mực nước sông lên cao cũng có thể gây ra sạt lở đất ven sông, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ.

Lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân. Ngập úng có thể làm thiệt hại cây trồng hoặc làm cây bị đổ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu xa cơn bão số 3, từ nay đến thời điểm bão ảnh hưởng trực tiếp, TP Hà Nội có khả năng xuất hiện mưa giông kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Để chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão gây ra, người dân cần khẩn trương kiểm tra, gia cố, chằng chống nhà cửa, nhất là các cửa sổ tại các nhà cao tầng, bồn chứa nước trên cao, tấm lợp mái nhà, cắt tỉa cành cây xung quanh nhà ở; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; tháo gỡ vật cản trên các nắp cống thoát nước...

Người dân ngoại thành khẩn trương gia cố chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... Người dân sinh sống ở những khu vực dễ xảy ra sạt trượt cần có kế hoạch phòng chống, di dời tài sản đến nơi an toàn.

Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều cảnh báo và hướng dẫn người dân chủ động phòng chống bão. Người dân cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết và tình hình bão, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trong trường hợp xảy ra ngập úng hoặc các tình huống khẩn cấp khác, người dân cần bình tĩnh xử lý, di chuyển đến nơi an toàn và liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.