Trong khuôn khổ chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP HCM", phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành một phiên bản thu nhỏ của thủ đô, nơi những công trình biểu tượng được tái hiện đầy ấn tượng, thu hút đông đảo người dân tham quan, chiêm ngưỡng.
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn: Công trình biểu tượng tái hiện lung linh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ trở nên nổi bật với mô hình cầu Long Biên sừng sững. Được chế tác bằng sắt thép, dài khoảng 30 mét và cao khoảng 5 mét, mô hình này tái hiện một phần cây cầu biểu tượng của Hà Nội, bắc qua sông Hồng. Khởi công từ năm 1898 và khánh thành năm 1902, cầu Long Biên đã trở thành cây cầu lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ.
Bề mặt mô hình cầu Long Biên được trang trí bằng các nhịp cầu đều nhau bằng sắt thép, phía dưới là đường ray và thảm đá, tạo nên sự chân thực đến từng chi tiết. Vào buổi tối, cây cầu được chiếu sáng lung linh, mang đến cảm giác như lạc vào Hà Nội giữa lòng Sài Gòn. Hai bên cầu và phía dưới là triển lãm ảnh về thủ đô xưa và nay, gợi nhắc những ký ức và câu chuyện lịch sử gắn liền với cây cầu.
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn: Công trình biểu tượng tái hiện lung linh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tiến về phía trước, du khách sẽ bắt gặp mô hình Khê Văn Các cao khoảng 10 mét, tái hiện đường nét khá tương đồng với bản gốc. Tọa lạc trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khê Văn Các là một lầu vuông 8 mái, mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Được xây dựng từ năm 1805, công trình này tượng trưng cho sự hội tụ của tinh hoa văn học, giáo dục, trở thành biểu tượng của Hà Nội.
Gần đó là mô hình cầu Thê Húc và Tháp Bút, tái hiện cảnh quan Hồ Gươm thơ mộng. Cầu Thê Húc bắc qua hồ, dẫn vào đền Ngọc Sơn, mang ý nghĩa tụ hội hào quang. Tháp Bút cao 4 mét, với đỉnh là ngòi bút lông dựng ngược, tượng trưng cho tinh thần hiếu học.
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn: Công trình biểu tượng tái hiện lung linh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Trên phố đi bộ, mô hình Ô Quan Chưởng tái hiện lại một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội. Xây dựng từ năm 1749, Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, mang phong cách kiến trúc vọng lâu, gồm hai tầng với vọng lâu và lan can bao quanh.
Đông đúc người dân tham quan, chụp ảnh trước mô hình Đoan Môn - cổng chính dẫn vào Cấm thành trong Hoàng thành Thăng Long. Được xây dựng từ thời Lê sơ và tu bổ vào thời Nguyễn, Đoan Môn có vị trí quan trọng trong các hoạt động lễ nghi của Hoàng thành. Công trình này được xây dựng bằng đá và gạch, cấu trúc hình chữ U với 5 cửa vòm cuốn.
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn: Công trình biểu tượng tái hiện lung linh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Không thể thiếu trên phố đi bộ Nguyễn Huệ là mô hình chợ Đồng Xuân - khu chợ lớn nhất phố cổ Hà Nội, được xây dựng từ năm 1889. Mang đậm nét văn hóa, chợ Đồng Xuân là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các mô hình của chùa Một Cột, trụ sở báo Hà Nội Mới, tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", phố bích họa Phùng Hưng, Trung thu Hà Nội xưa cũng được tái hiện đầy chân thực.
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn: Công trình biểu tượng tái hiện lung linh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Trải dài khoảng 200 mét trên phố đi bộ là không gian tái hiện các làng nghề truyền thống như dệt, đúc đồng, làm nón, sơn mài, gốm Bát Tràng... phục dựng theo mô hình nhà ở khu phố cổ Hà Nội.
Chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP HCM" còn có nhiều hoạt động khác như xúc tiến du lịch, trình diễn và trải nghiệm ẩm thực Hà Nội, triển lãm "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản cho mai sau", văn nghệ, biểu diễn võ thuật, thể dục nghệ thuật... Tất cả đã tạo nên một không gian Hà Nội sôi động và hấp dẫn giữa lòng Sài Gòn, thu hút đông đảo sự quan tâm và yêu thích của người dân.
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn: Công trình biểu tượng tái hiện lung linh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ