Phạm Văn Thành, tân sinh viên ngành Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từng tốt nghiệp Học viện An ninh Nhân dân nhưng luôn ấp ủ ước mơ đứng trên bục giảng dạy Văn. Sau 3 năm công tác tại địa phương, anh đã quyết định từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê của mình, trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ.
Hành trình hiện thực hóa đam mê văn chương của tân sinh viên sư phạm
Tại một nơi đất học lâu đời như Bắc Giang, Phạm Văn Thành bắt đầu hành trình học vấn của mình tại Trường THPT Lục Ngạn số 2. Tốt nghiệp năm 2016, chàng thanh niên trẻ chưa có định hướng rõ ràng nên quyết định thi và đỗ vào ngành học theo mong muốn của gia đình là Học viện An ninh Nhân dân.
Trải qua bốn năm học tập và rèn luyện dưới mái trường kỷ luật, Thành tốt nghiệp và trở về công tác tại địa phương. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, niềm đam mê văn chương chưa bao giờ nguội lạnh trong anh. Mỗi khi rảnh rỗi, Thành thường hỗ trợ các em khóa dưới ôn tập, chia sẻ kiến thức văn học trên các nền tảng mạng xã hội và tham gia các cuộc thi viết do đơn vị tổ chức.
Hành trình hiện thực hóa đam mê văn chương của tân sinh viên sư phạm
Trong ba năm công tác, Thành nhận ra khao khát được đứng trên bục giảng dạy Văn ngày càng cháy bỏng. Sau nhiều lần đấu tranh với nỗi sợ về sự phán xét của người khác và sự trăn trở về tương lai, anh quyết định dừng công việc đang làm để thi đại học lần nữa.
Quyết định của Thành không nhận được sự đồng tình từ gia đình và nhiều người khuyên anh nên tiếp tục gắn bó với nghề. Thậm chí, không ít người cho rằng Thành quá mạo hiểm, nếu không thi đỗ thì sẽ thế nào. Tuy nhiên, anh quyết định lắng nghe bản thân, theo đuổi ước mơ dù có phần hơi muộn màng.
Hành trình hiện thực hóa đam mê văn chương của tân sinh viên sư phạm
Quyết tâm là vậy, nhưng không ít đêm, Thành thức trắng suy nghĩ về tương lai. Anh nhận thấy hành trình mình đi "rất đơn độc". "Mình có nản lòng, nhưng những phút giây đó không quá lâu. Mình tin bản thân chọn đúng hướng, được sống với đam mê và trên hành trình chinh phục đam mê ấy", Thành nhớ lại.
Suốt quá trình ôn thi lại, Thành luôn tự nhủ về mục tiêu và số điểm mong muốn. Dù không hướng đến một danh hiệu cụ thể, anh vẫn đặt mục tiêu đạt tới điểm số trọn vẹn là 30. Để động viên bản thân, Thành lập một tài khoản mạng xã hội, đăng những khoảnh khắc ôn thi, cài đặt chế độ chỉ mình anh xem được.
Thành cũng đến gặp cô giáo từng dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh để xin vào học, đồng thời nộp đơn xin học thêm môn Ngữ văn, Địa lý của các thầy cô ở trường cấp ba cũ. Bên cạnh đó, anh còn đăng ký một số lớp học trực tuyến. Thành chia lịch học theo tuần, tháng và nghiêm túc thực hiện.
Sự kỷ luật và kiên trì là yếu tố giúp Thành giữ vững quyết tâm. Chính ước mơ trở thành thầy giáo dạy Văn đã giúp Thành vượt qua khó khăn của một người gần tám năm không đụng vào kiến thức phổ thông.
Bằng tất cả quyết tâm và nỗ lực, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thành đạt tổng điểm xét tuyển 29,45, trong đó môn Lịch sử và Địa lý đều đạt 10, Ngữ Văn 9,25 và 0,2 điểm ưu tiên. Nhờ vậy, Thành đã "chạm tay" tới giấc mơ trở thành tân sinh viên ngành Ngữ Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
"Khi biết điểm, mình tự hào và hạnh phúc. Bố mẹ cũng rất mừng, không còn hoài nghi nữa, luôn ở bên, động viên mình cố gắng", Thành nói. Ngày quay lại giảng đường, Thành cảm nhận rõ sự gần gũi, yêu thương, là nơi anh muốn thuộc về. Trong lễ khai giảng, Thành vinh dự đứng lên chia sẻ về câu chuyện theo đuổi ước mơ văn khoa của mình.
Trong khi bạn bè đồng trang lứa đã ổn định công việc, thậm chí lập gia đình, còn Thành bắt đầu lại ở ngưỡng cửa đại học, anh cũng phần nào áp lực. "Mình từng đi làm và có lương. Khi quay lại học, mình không muốn phụ thuộc vào gia đình nên sẽ đi gia sư, nhưng mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tập trung học", Thành nói.
Dù bận rộn, Thành vẫn duy trì thói quen chia sẻ kiến thức về văn chương trên kênh TikTok và về lịch sử trên một trang fanpage. Từ khi cởi mở chia sẻ câu chuyện của bản thân, Thành nhận về nhiều tâm sự của những người không quen biết, liên quan đến áp lực và việc thất bại trên hành trình theo đuổi ước mơ.
Thành thú thật, anh không biết con đường mình đi có đúng hay không, cũng không biết mình có thể làm được không. "Mình chỉ biết bỏ qua mọi khó khăn, định kiến, biến tất cả áp lực thành động lực và cố gắng hết mình vì mục tiêu, kiên trì, bền bỉ, kỷ luật với nó. Mình tin rằng, khi một cánh cửa khép lại, sẽ luôn có một cánh cửa khác mở ra. Khi bản thân khao khát một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp mình đạt được. Vũ trụ sẽ luôn lắng nghe một trái tim ngoan cường", Thành nói.
Hành trình của Phạm Văn Thành cho thấy rằng, theo đuổi đam mê không bao giờ là muộn, dù có phải vượt qua bao khó khăn, thử thách. Câu chuyện của anh là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những ai đang đấu tranh với sự hoài nghi và phán xét của người khác.