Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Trên vùng rú cát rộng lớn của xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tại trang trại dưa lưới của gia đình ông Trần Trọng và bà Hoàng Thị Liễu đang mở ra hướng đi mới, mang về nguồn thu tiền tỷ, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho người dân vùng ven phá Tam Giang.

Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Xã Quảng Thái nằm ở vùng cửa sông Ô Lâu đổ ra phá Tam Giang, trong hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á Tam Giang - Cầu Hai. Nơi đây sở hữu diện tích đất cát rộng lớn, chiếm gần 1/3 đất nông nghiệp. Trước đây, bà con chủ yếu trồng các loại cây truyền thống như khoai lang, ngô, sắn, dưa leo, bí đỏ, dưa hấu nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Đồng hành cùng những nỗ lực vượt khó của người dân vùng ven phá Tam Giang, chương trình "Tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển" do WB tài trợ đã ra đời, mở ra hướng đi mới cho nông dân nơi đây.

Trang trại trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm sử dụng năng lượng mặt trời của hộ gia đình ông Trần Trọng và bà Hoàng Thị Liễu ở thôn Tây Hoàng (xã Quảng Thái) là một mô hình điển hình được đầu tư theo chương trình. Dự án bao gồm hệ thống điện năng lượng mặt trời, 2 nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, cây giống, phân bón, cùng sự chuyển giao quy trình kỹ thuật để trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn Vietgap. Tổng vốn đầu tư lên tới hơn 5,4 tỷ đồng.

Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Khai phá vùng rú cát ven phá Tam Giang, dưa lưới công nghệ cao mang về nguồn thu tiền tỷ

Những công nghệ tiên tiến được đầu tư đã thay thế phương thức sản xuất thủ công, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại. Hệ thống tưới nhỏ giọt bán thủy canh của Israel giúp cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho cây ở từng giai đoạn sinh trưởng. Người trồng dưa lưới cũng thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả, đồng thời phòng ngừa dịch bệnh.

Quá trình trồng dưa lưới có sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật. Thời điểm dưa lưới ra hoa, chủ trang trại phải thuê nhân công để thụ phấn cho hoa trong khoảng 10 ngày liên tục. Mỗi gốc dưa đậu nhiều quả, nhưng chỉ giữ lại 1 quả có tiềm năng phát triển tốt nhất để đảm bảo chất lượng.

Sau 3 tháng chăm sóc, dưa lưới trong nhà màng của gia đình bà Liễu đã cho thu hoạch, đạt trọng lượng 1,5-2,5 kg/quả. Vụ đầu tiên thu hoạch được tổng sản lượng gần 10 tấn quả, mang về nguồn thu 300-400 triệu đồng.

Bà Liễu cho biết, mô hình này tạo công ăn việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình và 2 nhân công địa phương. Đặc biệt, khi cây ra hoa hoặc thu hoạch quả, trang trại cần thuê thêm nhiều nhân công làm việc thời vụ.

Ông Trần Đương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, đánh giá mô hình dưa lưới công nghệ cao của gia đình bà Liễu là một trong những mô hình lớn nhất của xã từ trước đến nay. Mô hình này ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm chi phí nhân công và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tạo ra giá trị kinh tế cao.

Mô hình dưa lưới công nghệ cao trên vùng rú cát Quảng Thái là minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó và đổi mới của người dân địa phương. Đây cũng là hướng đi mới, mang đến triển vọng thoát nghèo bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ven phá Tam Giang.