## **Lean: Đột phá năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm**
Lean, một công cụ cải tiến năng suất, đang trở thành giải pháp chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Bằng cách tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và nâng cao hiệu quả vận hành, Lean giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị cho khách hàng.
Lean: Đột phá năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm
Lean: Đột phá năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm
Lean là một mô hình bao gồm các nguyên tắc và công cụ cải tiến có hệ thống, tập trung vào việc tạo giá trị từ góc nhìn của khách hàng và loại bỏ những lãng phí trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ của một tổ chức. Lean giúp tăng khả năng sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình.
Lean mang lại nhiều lợi ích to lớn về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp. Lean rút ngắn thời gian chu trình sản xuất/ cung cấp dịch vụ (cycle time) nhờ hợp lý hóa các quá trình tạo giá trị, cùng với việc giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, loại bỏ lãng phí do sự chờ đợi giữa các công đoạn, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho quá trình sản xuất (set-up time) và thời gian chuyển đổi việc sản xuất các sản phẩm khác nhau (change-over time).
Áp dụng Lean cũng giúp giảm thiểu lãng phí hữu hình và vô hình do tồn kho quá mức cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, mặt bằng. Mỗi nhân viên/ công nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình tạo sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ sẽ có nhận thức, tư duy rõ ràng về khái niệm: Giá trị và các hoạt động gia tăng giá trị cho khách hàng trong công việc của mình, từ đó tích cực đóng góp vào chuỗi giá trị của chính doanh nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu bền vững.
Mặc dù Lean mang lại nhiều lợi ích, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp một số hạn chế trong quá trình áp dụng. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiểu lầm rằng, Lean là tinh gọn, nghĩa là bao gồm cả tinh giản nhân sự. Trong thực tế, Lean không đề cập đến tinh giản nhân sự mà là tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất cho quá trình liên quan đến các nhân sự đang phụ trách.
Doanh nghiệp chưa thật sự nắm bắt tư duy, bản chất của Lean nên khi triển khai chỉ mang tính hình thức, thiếu chuẩn bị trong quản trị hoặc chỉ tập trung vào việc tinh giản chi phí bằng việc cắt giảm nhân sự. Tình trạng khá phổ biến hiện nay là doanh nghiệp ứng dụng Lean theo phong trào, nên việc triển khai chưa tới nơi tới chốn, hoặc sao chép một cách máy móc từ doanh nghiệp khác mà không thay đổi cho phù hợp với đặc điểm tình hình doanh nghiệp mình.
Để khắc phục những hạn chế này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng Lean một cách bài bản, có chiến lược. Lean không phải là một giải pháp tức thời, mà là một quá trình cải tiến liên tục. Doanh nghiệp cần đầu tư thời gian, nguồn lực và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên để triển khai Lean một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức và năng lực của nhân viên trong việc áp dụng Lean. Việc tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích cải tiến và sáng tạo sẽ thúc đẩy nhân viên chủ động tìm kiếm và triển khai các giải pháp cải thiện hiệu suất.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và cạnh tranh mức độ ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc áp dụng Lean để nâng cao sức cạnh tranh. Lean chính là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.