Mưa lớn gây sạt lở đất đá, khiến Quốc lộ 6 qua dốc Cun tê liệt

Trận mưa lớn kéo dài đã khiến đất đá từ taluy dương sạt xuống Quốc lộ 6 đoạn qua dốc Cun, tỉnh Hòa Bình, phá hủy mặt đường và cuốn trôi hộ lan, khiến nhiều phương tiện mắc kẹt.

Mưa lớn gây sạt lở đất đá, khiến Quốc lộ 6 qua dốc Cun tê liệt

Mưa lớn gây sạt lở đất đá, khiến Quốc lộ 6 qua dốc Cun tê liệt

Vào khoảng 16h ngày 24/8, một trận mưa lớn trút xuống khu vực dốc Cun, thuộc địa phận thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong, gây ra tình trạng sạt lở đất đá nghiêm trọng. Đất đá từ taluy dương đổ ập xuống Quốc lộ 6, phá hủy mặt đường và cuốn trôi hộ lan, khiến giao thông trên tuyến đường huyết mạch này bị tê liệt.

Tại khúc cua dài khoảng 200 m đang được thi công mở rộng, một ôtô bốn chỗ bị đất đá trôi vào bánh, mắc kẹt không thể di chuyển. Một nhân chứng cho biết, một chiếc xe máy cũng bị cuốn trôi gần 10 m, nhưng may mắn được người dân giữ lại.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, đơn vị bảo trì đường bộ đã điều máy xúc đến hiện trường để san gạt đất đá và khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, do khu vực này vẫn tiếp tục mưa lớn khiến đất đá sạt xuống liên tục, nên tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 6 kéo dài hơn 4 km.

Dốc Cun là một đoạn đường đèo dài khoảng 7 km, có 10 khúc cua, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, thường xuyên có sương mù dày đặc. Tình trạng sạt lở đất đá thường xuyên xảy ra khiến nơi đây trở thành "điểm đen" tai nạn giao thông trên Quốc lộ 6.

Dự báo thời tiết cho biết, từ ngày 18/8 đến nay, miền Bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp, xoáy thấp và gió đông nam ẩm, gây mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm. Nhiều khu vực ở Hà Nội, Thái Nguyên đã bị ngập úng; Tuyên Quang, Quảng Ninh cũng có tình trạng sạt lở đất.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo, đêm nay miền Bắc tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa từ 30-50 mm, có nơi trên 70 mm. Từ ngày mai (25/8), mưa sẽ giảm dần.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, trong đó có tỉnh Hòa Bình, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó với các tình huống ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Các địa phương cần rà soát, kiểm tra dân cư sống ven sông, suối và khu vực trũng thấp để kịp thời sơ tán khi có nguy cơ. Đồng thời, bố trí người canh gác, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện tại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.