Sau những ngày nắng nóng gay gắt, dự báo nắng nóng sẽ có dấu hiệu suy giảm ở miền Bắc và miền Trung từ 1-2/5. Tuy nhiên, tại Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ phải đợi đến khoảng ngày 4-5/5 mới thấy nhiệt độ hạ nhiệt.
Hôm qua (28/4), cả nước tiếp tục trải qua một ngày nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ tăng cao. Các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ và từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục ghi nhận nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 39-42 độ. Trong đó, một số nơi ghi nhận nhiệt độ trên 42 độ vào chiều qua, như Yên Châu (Sơn La) 42,3 độ, Lạc Sơn (Hòa Bình) 42,0 độ, Con Cuông (Nghệ An) 42,3 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 42,6 độ và Đồng Hới (Quảng Bình) 43,0 độ.
Đáng chú ý, tại Đông Hà (Quảng Trị), nhiệt độ cao nhất lên tới 44 độ, chỉ kém 0,2 độ so với mức nhiệt cao nhất lịch sử Việt Nam được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) vào ngày 7/5/2023. Khu vực Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.
Nắng nóng khốc liệt tiếp tục bao trùm cả nước trong hôm nay và ngày mai (29-30/4). Cơ quan khí tượng đã ban hành cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 với các địa phương Sơn La, Hoà Bình và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Phú Yên. Các khu vực khác trên cả nước đối mặt với rủi ro thiên tai cấp 1.
Dự báo trong hôm nay và ngày mai (29-30/4), khu Tây Bắc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ. Các nơi khác ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay và ngày mai có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ. Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận hôm nay và ngày mai có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Cơ quan khí tượng nhận định, từ ngày 1-2/5, nắng nóng có khả năng giảm dần ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Tại Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ từ khoảng 4-5/5, nắng nóng mới có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn. Sự chênh lệch này phụ thuộc vào điều kiện địa hình, hướng gió, tỷ lệ cây xanh, mặt nước và mật độ bê tông hoá.
Do đó, người dân cần lưu ý các khuyến cáo phòng chống nắng nóng, như hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng gắt, sử dụng các biện pháp chống nắng như mũ, áo chống nắng, ô, kính râm và đắp khăn ướt. Bổ sung đủ nước, ăn các loại thực phẩm giải nhiệt như rau xanh, trái cây và uống các loại nước ép trái cây để bù nước, tránh tình trạng mất nước và say nắng.