Làng Sơn Đông, xứ Thanh từng là trung tâm buôn chó lớn nhất một thời. Nhưng nay, nghề này đã tàn lụi, để lại những câu chuyện buồn về những người "lên đời" rồi lại "xuống dốc không phanh".
Làng Sơn Đông (nay tách thành 3 thôn) từng là "đại bản doanh" của nghề buôn chó ở Thanh Hóa. Ông Lê Văn Long, 58 tuổi, gắn bó với nghề này hơn 20 năm, cho biết không rõ nghề buôn chó ở đây có từ bao giờ. Năm 20 tuổi, ông đã theo chân những người dân trong làng đi thu gom chó khắp nơi và bén duyên với nghề.
Năm 2000-2012 được xem là thời kỳ vàng của làng buôn chó. Để có đủ nguồn cung, người dân nơi đây chung vốn, sang các nước Lào, Thái Lan, Indonesia,... thu gom chó. Sơn Đông trở thành làng buôn chó xuyên quốc gia.
Chó được thu gom về có giá dao động 65.000-75.000 đồng/kg. Sau đó được chở ra bán ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, người dân trong làng xuất bán gần 20 tấn chó.
UBND xã Thành Lộc đã quy hoạch một khu đất lớn cho các hộ kinh doanh. Hơn 40 chuồng trại mọc lên, tạo thành "đại bản doanh" chó lớn nhất xứ Thanh. Mỗi lần nhập về, người dân buôn chó ở Sơn Đông nhập về vài chục tấn chó. Buôn bán thuận lợi, tiền lãi thu được sau mỗi chuyến lên tới 6-8 triệu đồng.
"Một tháng đi buôn chó, tiền lời có thể mua được cả một cây vàng. Nhiều nông dân đã trở thành đại gia nhờ buôn chó", ông Long nhớ lại.
Nghề buôn chó đã hết thời do nhiều nguyên nhân. Năm 2012, Chính phủ Thái Lan ra lệnh cấm buôn bán chó sang Việt Nam. Nguồn cung chính không còn, thị trường chó trong nước khan hiếm, việc buôn bán bắt đầu đi xuống.
"Sau lệnh cấm, cảnh sát Thái Lan bắt những xe chở chó, thả chó về rừng, tịch thu phương tiện. Lần ấy, tôi thua lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Nhiều người buôn chó trong làng sập tiệm, trắng tay, phải bán nhà cửa, đất đai để trả nợ. Chúng tôi 'lên đời' nhờ buôn chó, rồi 'xuống dốc không phanh' cũng bởi nghề buôn chó!", ông Long chia sẻ.
Người dân không còn mặn mà với nghề buôn bán, giết mổ chó. Thay vào đó, họ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp khác nhau, khi các công ty, xí nghiệp ngày càng nhiều.
Trắng tay khi nghề buôn chó hết thời, ông Long vay mượn sửa sang khu nuôi nhốt chó để nuôi, bán dê. "Việc nuôi, bán dê tương đối thuận lợi, song lời lãi không bằng nghề buôn chó lúc hưng thịnh", ông Long cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trang, 50 tuổi, sau 20 năm gắn bó với nghề buôn chó, cũng bỏ nghề và chật vật kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như thợ cơ khí, sửa xe, bán gạo.
"Sau khi bỏ nghề buôn chó, tôi rất chông chênh vì không biết làm gì ra tiền để nuôi vợ và 3 con. Phải mất 3 năm, tôi mới lấy lại cân bằng, tìm kiếm việc làm phù hợp", ông Trang nói.
Làm một lúc 3 nghề rất khó nhọc, vất vả nhưng thu nhập chỉ bằng một nửa so với nghề buôn chó. 3 người con của ông không ai theo nghề buôn chó mà đi học nghề.
Gia nhập thị trường buôn bán chó cách đây 8 năm, anh Nguyễn Văn Mạnh là một trong những hộ dân còn trụ lại với nghề. Anh cho biết, thị trường chó dần khan hiếm, anh phải lặn lội vào miền Nam, gom hơn 1 tuần mới được vài, ba tấn chó.
Bên cạnh đó, người dân có xu hướng ít ăn thịt chó khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; chi phí của mỗi chuyến buôn đội giá, "ăn" hết tiền lời. Do đó, anh muốn bỏ nghề.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó chủ tịch UBND xã Thành Lộc, cho biết cách đây 20 năm, làng Sơn Đông là "đại bản doanh" thu gom, buôn bán, giết thịt chó lớn nhất xứ Thanh. Có hơn 40 hộ theo nghề, tạo việc làm cho hơn 100 lao động ở địa phương. Nhưng hiện nay cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ theo nghề.
"Nhiều gia đình xây được nhà cao, cửa rộng, trở thành đại gia nhờ buôn bán chó. Song cũng có nhiều 'ông trùm' chó trắng tay khi nghề 'lái chó' hết thời", ông Huy nói.
UBND xã Thành Lộc không khuyến khích người dân phát triển nghề buôn chó, mà định hướng cho người dân chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, đi công nhân, làm xây dựng, chăn nuôi các con vật khác...