Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ, "gap year" một năm để chinh phục tiến sĩ tại Mỹ

Sau khi trượt nguyện vọng ngành dược, Lưu Thu Thảo đã nỗ lực vượt bậc để giành học bổng toàn phần tiến sĩ tại Đại học North Carolina State, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ du học.

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ,

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ, "gap year" một năm để chinh phục tiến sĩ tại Mỹ

Lưu Thu Thảo, sinh viên năm cuối ngành Hóa Dược tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mạnh dạn "gap year" một năm để theo đuổi ước mơ lớn, nộp hồ sơ bậc tiến sĩ tại Mỹ. Mới đây, cô đã nhận được tin vui khi trúng tuyển vào Đại học North Carolina State với học bổng toàn phần. Kết quả này giống như một giấc mơ với Thảo.

Ban đầu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên không phải là lựa chọn đầu tiên của Thảo. Yêu thích dược học, cô đã nộp hồ sơ vào Trường Đại học Dược Hà Nội và Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng đều trượt cả hai. Sau đó, Thảo đỗ vào lớp Chất lượng cao Hóa Dược của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. "Lúc biết tin trượt ngành học yêu thích, em buồn và thất vọng suốt một thời gian", Thảo nhớ lại.

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ,

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ, "gap year" một năm để chinh phục tiến sĩ tại Mỹ

Hai năm đầu đại học, Thảo không mấy hứng thú vì mất định hướng và chưa có cách học hiệu quả. Chỉ đến năm thứ 3, khi được tiếp xúc với các môn chuyên ngành và bắt đầu lên lab, cô mới nhận ra "ngành này hóa ra cũng không quá tệ". Từ đó, Thảo bắt đầu tập trung vào học, đạt GPA 3,6 và giành được học bổng ở năm thứ 3.

Thay vì dồn kiến thức để học trước ngày thi, Thảo chia nhỏ lượng kiến thức để học mỗi ngày. Bên cạnh đó, cô dành phần lớn thời gian rảnh để lên lab. Sau 4 năm, Thảo có hai bài báo được đăng trên tạp chí trong nước.

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ,

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ, "gap year" một năm để chinh phục tiến sĩ tại Mỹ

Kết thúc đại học với tấm bằng Giỏi, Thảo vẫn cảm thấy kiến thức của mình chưa đủ, nên mong muốn học lên bậc thạc sĩ tại Việt Nam. Cô nộp hồ sơ và trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, cô vẫn cảm thấy chưa đủ và nung nấu ý định đi du học bậc tiến sĩ.

Thời gian đầu ra trường, Thảo dự định sẽ vừa học thạc sĩ, vừa đi làm. Cô đi tìm kiếm rất nhiều công ty nhưng đều cảm thấy không phù hợp. Đó là quãng thời gian khá căng thẳng, nhưng bố mẹ luôn động viên cô cố gắng phấn đấu để phát triển.

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ,

Nữ sinh Hà Nội gác lại tấm bằng thạc sĩ, "gap year" một năm để chinh phục tiến sĩ tại Mỹ

Trong giai đoạn bế tắc, Thảo tình cờ trò chuyện với một bạn học cũ, người khuyên cô chỉ nên tập trung vào một mục tiêu để đạt được kết quả tốt nhất. Đó cũng là lúc cô bắt đầu nhen nhóm ý định đi du học bậc tiến sĩ.

Thảo cho biết, tại Mỹ, tiến sĩ được coi là một nghề, tức "làm tiến sĩ" chứ không phải "học tiến sĩ". Người làm tiến sĩ sẽ được trả lương và không phải quá lo lắng về sinh hoạt phí. Vì thế, cô nghĩ rằng đây là con đường phù hợp nhất với mình.

Dù đã trúng tuyển vào bậc thạc sĩ của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, tháng 9/2023, Thảo vẫn quyết định dừng lại, "gap year" một năm để dồn sức làm hồ sơ. "Khi ấy, em chỉ nghĩ rằng hãy cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể để sau này không phải hối tiếc", Thảo nói.

Cuối tháng 9, Thảo đăng ký thi IELTS và đạt 5,5 điểm. Tự ti với điểm số còn quá thấp, cô chủ động gửi email tới giám đốc tuyển sinh của Đại học North Carolina State để nhờ thầy góp ý cải thiện, bổ sung hồ sơ.

Thời điểm gửi email tới thầy, Thảo không có nhiều kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi. Nhưng không ngờ, vị giám đốc tuyển sinh đã trả lời rằng hồ sơ của cô có điểm thi IELTS chưa đạt yêu cầu. Biết được thầy thường có các chuyến làm việc tại Việt Nam hàng năm, Thảo cũng chủ động hỏi thăm thầy năm nay có tới hay không và biết tin thầy sẽ tới vào tháng 10. Thầy cũng đồng ý sắp xếp thời gian trò chuyện với Thảo một buổi khi tới Việt Nam.

Đó là cơ hội bất ngờ mà Thảo không nghĩ mình có được. Trong buổi hôm ấy, cô chia sẻ thẳng thắn về nỗi lo hồ sơ không mạnh. Nhưng thầy đã khuyên rằng: "Cuộc đời mỗi người là cuộc chạy đua marathon, mỗi chúng ta sẽ có một con đường riêng để chạy. Nếu chỉ chăm chăm nhìn người khác sẽ rất dễ bị chạy chệch hướng, do đó nên kiên trì, bền bỉ vào mục tiêu chính của mình".

Những câu nói của thầy đã truyền động lực và là kim chỉ nam để Thảo nỗ lực cố gắng. Hơn 2 tháng sau khi gặp thầy, Thảo quyết tâm thi lại IELTS và đạt 6,5 điểm, vừa đủ yêu cầu của trường. Theo Thảo, "điểm số cao luôn là một lợi thế, nhưng nếu không quá cao, mình cần tìm kiếm cơ hội theo cách khác".

Trong 1 năm "gap year", Thảo tập trung ôn thi tiếng Anh, lên lab và có một bài báo quốc tế Q2. Ngoài ra, cô cũng thử chuyển sang lĩnh vực mới từ hợp chất thiên nhiên sang hóa hữu cơ, giúp cô có nhiều cơ hội hơn nếu học tập và nghiên cứu tại Mỹ.

Thảo cho biết, chuyện làm nghiên cứu vốn thất bại nhiều hơn thành công, bởi 99 lần thất bại mới có 1 lần thành công, do đó bản thân phải có sự kiên trì. Ngoài ra, cô cũng chủ động tìm kiếm cơ hội. "Thay vì ngồi nghĩ liệu hồ sơ của mình có đạt yêu cầu, em chủ động email cho thầy để hỏi những gì mình còn thiếu sót", Thảo chia sẻ.

Cơ hội được gặp trực tiếp thầy để chia sẻ về bản thân cũng giúp cô thể hiện được nhiều thứ, từ sự quyết tâm, nỗ lực thông qua ánh mắt, cử chỉ mà điểm số trên giấy không thể "phô" ra hết được. Thảo cũng nêu quan điểm, điểm số chỉ nằm trên giấy, điều quan trọng nhất là năng lực của ứng viên ra sao và sẽ dùng nó như thế nào.

Khi đạt 6,5 IELTS, cô cho biết mình thấy mức điểm này là đủ và sẽ trau dồi tiếng Anh theo cách khác như đọc sách báo nhiều hơn, đọc các công trình nghiên cứu, từ đó làm dày vốn từ vựng chuyên ngành của mình.

Cuối tháng 7, Thảo sẽ tới Mỹ theo học bậc tiến sĩ tại Đại học North Carolina State. Trong quãng thời gian này, cô đang tìm hiểu thông tin hồ sơ của các giáo sư trên website của trường. Sau khi sang Mỹ, cô sẽ chủ động xin gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô muốn xin vào lab. Chuyên ngành cô sẽ học trong thời gian tới sẽ liên quan đến Hóa hữu cơ ứng dụng trong sinh học.