Học sinh không chỉ cần điểm số cao mà còn cần phát triển kỹ năng mềm và trải nghiệm thực tế. Những yếu tố này mới là "chìa khóa" giúp các em chinh phục được các trường đại học hàng đầu thế giới.
Trong khi nhiều học sinh xuất sắc với thành tích ấn tượng vẫn chưa thể tiến tới các ngôi trường đại học danh giá, một số học sinh khác lại gây bất ngờ khi đạt được những suất học bổng hấp dẫn dù thành tích học tập không quá nổi bật. Lý do đằng sau sự khác biệt này được Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu phân tích trong hội thảo "Liệu chỉ có học sinh xuất sắc mới chinh phục được đại học hàng đầu?".
Theo TS Hiếu, tình trạng nhiều gia đình "gò ép" học sinh vào khuôn khổ học tập và thi cử đã tạo ra áp lực không nhỏ cho các em. Học sinh không chỉ cần nền tảng kiến thức vững chắc mà còn cần phát triển toàn diện cả về kỹ năng mềm và trải nghiệm sống. Một thế giới quan đa chiều sẽ giúp các em lựa chọn đúng đắn con đường tương lai.
Do đó, TS Hiếu khuyến khích phụ huynh để học sinh thỏa sức khám phá các sở thích khác nhau trong giai đoạn từ THCS đến đầu THPT thay vì ép buộc trong một khuôn khổ chật hẹp. "Rất hiếm học sinh theo đuổi một đam mê bền bỉ suốt chặng đường dài. Các em cần trải nghiệm đủ nhiều, có những 'cú xoay' trước khi tìm ra sở thích thực sự".
Đến giai đoạn lớp 11 - 12, học sinh nên hệ thống lại những trải nghiệm và lựa chọn những lĩnh vực thực sự đam mê, sẵn sàng gắn bó trong 4 năm đại học. "Có nhiều học sinh ban đầu theo đuổi khối xã hội nhưng sau đó lại quyết định chuyển sang công nghệ thông tin. Sự thay đổi đó đến từ việc các em được tiếp xúc rộng rãi với nhiều ngành nghề và cơ hội, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp hơn", TS Hiếu chia sẻ.
Ngoài ra, theo TS Hiếu, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp học sinh trở nên nổi bật và "có chất" riêng, không trùng lặp với bất kỳ ứng viên nào khác. "Hàng năm, vẫn có nhiều học sinh Việt Nam đỗ vào các trường đại học hàng đầu thế giới với những câu chuyện về sự độc đáo của bản thân. Họ không phải ai cũng sở hữu xuất phát điểm hoàn hảo".
TS Hiếu kể lại câu chuyện về một học sinh hệ không chuyên tại một trường THPT chuyên ở TP.HCM đã giành được học bổng tại một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Hồ sơ của nam sinh này không có điểm SAT, chỉ đạt IELTS 7.0. Thành tích nổi bật nhất của em là một giải võ thuật cấp quận.
Tuy nhiên, trong bài luận, em viết về những trải nghiệm cá nhân khi kiên trì thắp nến trong nhà thờ trong suốt 10 năm. Em suy ngẫm về các bài giảng của cha xứ, liên hệ với cuộc sống thường ngày về tôn giáo, bản dạng giới và việc học hành. "Chính chất riêng và những trải nghiệm này đã giúp em chinh phục được trường đại học hàng đầu Mỹ".
TS Hiếu nhấn mạnh, các yếu tố xuất sắc trong bộ hồ sơ là điều kiện cần nhưng không phải yếu tố duy nhất giúp học sinh chinh phục đại học top đầu. Các trường đại học không tìm kiếm những học sinh chuyên "cày" luyện thi, lấy điểm số mà cần những học sinh có kỹ năng học tập tốt, bao gồm:
* Kỹ năng nghiên cứu tài liệu
* Kỹ năng đọc chuyên sâu
* Kỹ năng lập luận
* Kỹ năng viết sáng tạo
* Tư duy phản biện
Ngoài ra, ứng viên cũng cần sở hữu các kỹ năng mềm:
* Kỹ năng làm việc nhóm
* Kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế
* Kỹ năng quản lý dự án
* Kỹ năng thuyết trình
TS Hiếu cho rằng, học sinh chỉ quanh quẩn với việc học và luyện thi trong suốt thời phổ thông sẽ thiếu hụt những kỹ năng này. Những trải nghiệm thực tế sẽ giúp các em tích lũy vốn sống, mở rộng thế giới quan, từ đó chắt lọc và định hướng tương lai phù hợp.
Nhờ những kỹ năng và trải nghiệm này, học sinh sẽ trở nên bản lĩnh, bền bỉ, thích nghi tốt với môi trường mới và sẵn sàng đón nhận thử thách. "Những điều này không chỉ giúp các em hòa nhập với môi trường đại học mà còn giúp các em tự lập trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó chính là những yếu tố mà các trường đại học hàng đầu luôn tìm kiếm ở ứng viên", TS Hiếu kết luận.