Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Từ 2 con dê được tặng, chị Kiều Thị Hiền và Lang Thị Tuyến đã xây dựng thành công đàn dê lớn, thoát khỏi cảnh nghèo khó, có của ăn của để. Mô hình nuôi dê sinh sản của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều phụ nữ miền núi vươn lên làm chủ kinh tế.

Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Năm 2019, chị Kiều Thị Hiền, một phụ nữ đơn thân 39 tuổi ở thôn Ná Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa, trở thành một trong những hộ phụ nữ nghèo nhận được 2 con dê giống từ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa.

Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Với sự cần cù và nỗ lực chăm sóc, đàn dê của chị Hiền phát triển nhanh chóng. Trong vòng 5 năm, đàn dê đã tăng lên 17 con, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. "Tính theo giá thị trường bây giờ, tôi đang có nguồn vốn tích lũy khoảng 50 triệu đồng từ đàn dê. Tôi chưa bao giờ nghĩ, một phụ nữ đơn thân ở miền núi lại có thể thoát nghèo, có tiền tiết kiệm", chị Hiền bộc bạch.

Không chỉ chị Hiền, gia đình chị Lang Thị Tuyến, 39 tuổi, ở thôn Thanh Tiến, xã Thanh Quân, cũng từng rơi vào cảnh khó khăn. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào 1ha đất đồi, trong khi nhà đông con. Sau khi được Hội LHPN trao tặng 2 con dê, cuộc sống của chị Tuyến và gia đình đã có những thay đổi đáng kể.

Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Phụ nữ miền núi thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê

Chị Tuyến quyết tâm chăm sóc đàn dê và biến chúng thành "cần câu cơm" cho gia đình. Chị chia sẻ: "Nguồn vốn đầu tư cho nuôi dê thấp, chuồng trại cũng đơn giản, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, có thể tận dụng thức ăn xanh có sẵn từ tự nhiên để cho dê ăn, phân dê thì ủ để bón cho lúa, giảm được chi phí rất nhiều".

Với sự chăm sóc chu đáo và kỹ thuật chăn nuôi được hướng dẫn bởi Hội LHPN và cán bộ thú y, đàn dê của gia đình chị Tuyến sinh sản nhanh chóng, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Lúc cao điểm, gia đình chị Tuyến sở hữu tới 15 con dê.

Bà Vi Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Quân, cho biết năm 2019, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mô hình Hợp tác xã nuôi dê sinh sản tại 15 hội viên là phụ nữ nghèo làm chủ hộ trên địa bàn xã. Sau 5 năm triển khai, mô hình phát huy hiệu quả, có 8/15 hộ đăng ký tham gia mô hình đã thoát nghèo.

Bà Tình đánh giá cao mô hình nuôi dê vì tỷ lệ sinh lãi cao, vốn đầu tư thấp và nhu cầu thị trường thịt dê cao nên đầu ra được đảm bảo. Hiện, giá thịt dê hơi dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, cho biết mô hình nuôi dê do Hội LHPN hỗ trợ đã tạo nên phong trào phụ nữ làm chủ trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

"Từ 37 con dê được Hội LHPN tặng đến nay số lượng dê đã tăng lên gần 200 con. Đàn dê tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương", ông Nguyên chia sẻ.

Với sự thành công của mô hình nuôi dê sinh sản, Hội LHPN xã Thanh Quân sẽ tiếp tục đề xuất Hội cấp trên hỗ trợ thêm dê giống hoặc quay vòng nguồn vốn nuôi dê, san sẻ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khác.

Mô hình nuôi dê sinh sản đã mở ra hướng đi mới cho phụ nữ miền núi Thanh Quân, giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên làm chủ kinh tế và xây dựng cuộc sống ấm no hơn.