Hiện tượng quầng sáng kỳ lạ bao quanh mặt trời đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành vào trưa nay (21/5), thu hút sự chú ý của người dân. Các nhà khoa học đã đưa ra lời giải thích về nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Trưa nay (21/5), người dân ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh... đã tận mắt chứng kiến hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện. Sự xuất hiện của quầng mặt trời đã nhanh chóng trở thành "cơn sốt" trên mạng xã hội. Nhiều người đã tranh thủ chụp ảnh, quay video và chia sẻ những khoảnh khắc độc đáo này.
Anh Mạnh, một nhân viên văn phòng sống tại Hà Nội, chia sẻ: "Tôi tận mắt nhìn thấy hình ảnh mặt trời phát ra hào quang, nếu không ở ngoài đường thời điểm đó thì không phải ai cũng chứng kiến được. Nó là một điều gì đó rất kỳ diệu".
Quầng mặt trời thường xuất hiện vào buổi trưa trong những ngày nắng. Mặc dù không phải là hiện tượng hiếm gặp, nhưng sự xuất hiện của nó không tuân theo quy luật nhất định và không liên quan đến các hiện tượng thiên tai.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng quầng mặt trời hay còn gọi là vầng hào quang xảy ra khi ánh sáng mặt trời bị che chắn bởi các đám mây Cirrostratus (Cs). Loại mây này thường tồn tại ở độ cao trên 6.000m và được cấu tạo bởi những tinh thể đá mỏng, tạo nên hiện tượng mờ nhạt che phủ bầu trời xanh khi ánh nắng xuyên qua.
Hào quang có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ các vòng tròn màu trắng hoặc nhiều màu sắc cho tới các cung tròn và điểm sáng trên bầu trời.
Sự xuất hiện của quầng mặt trời là một hiện tượng thiên nhiên bình thường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay môi trường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp quầng mặt trời có thể báo hiệu những thay đổi thời tiết trong vài ngày tới.
Theo Sở Y tế Vĩnh Phúc, vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ngày 14/5 khiến 438 người nhập viện cấp cứu với các triệu chứng như nôn, chóng mặt, đi ngoài. Các triệu chứng xuất hiện nhanh và cũng hết nhanh chỉ sau 1-2 ngày.
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định vi khuẩn Bacillus Cereus có trong canh chua giá đỗ là nguyên nhân gây ngộ độc.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, công ty trên có bếp ăn tập thể để nấu cơm cho công nhân. Bữa trưa nghi gây ngộ độc hôm đó gồm thịt gà xào sả ớt, súp lơ xanh, dưa muối và canh chua giá đỗ.
Món canh chua giá đỗ tìm thấy vi khuẩn Bacillus Cereus gồm giá đỗ, me, hành lá và nước. Sau điều tra, phát hiện có 6kg giá đỗ được mua thêm ở chợ Vĩnh Yên do bếp ăn bị thiếu. Đơn vị đặt rau cung cấp cho bếp ăn có đủ giấy tờ nhưng lại mua rau ở chợ. Đây là lỗ hổng dẫn đến vụ ngộ độc.
Liên quan đến vụ bé trai mất tích sau khi được gửi tại điểm trông giữ trẻ, lực lượng chức năng đã gửi mẫu xét nghiệm ADN thi thể vừa được phát hiện ở vùng biển Đà Nẵng để xác định đây có phải là thi thể của cháu bé không.
Trước đó, ngày 12/5, cháu Lê Phước N. được gửi tại nhà giữ trẻ của cô Nguyễn Thị Kim C. tại thị trấn Lăng Cô. Do có việc bận nên cô C. giao cháu N. cho cô Dương Thị Phương T.
14h cùng ngày, trong giờ nghỉ trưa, cháu N. bỏ đi chơi một mình. 15h35, cô T. mới báo cho gia đình và lực lượng chức năng. Sau 1 tuần cháu N. mất tích, một thi thể trẻ em được phát hiện tại khu vực bãi biển Làng Vân (TP Đà Nẵng).
Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não tại đình Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội đã tử vong sau 2 tháng điều trị.
Bệnh viện xác định nam sinh bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao. Sau khi nỗ lực điều trị nhưng diễn biến bệnh ngày càng nặng, nam sinh đã tử vong vào trưa nay (21/5) do suy chức năng đa cơ quan - sốc nhiễm khuẩn/chấn thương sọ não nặng.
Theo Công an TP.Hà Nội, sự việc xảy ra chiều 17/3, giữa nam sinh và một học sinh khác xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, anh trai của học sinh kia là anh T.V.T. đã đưa cháu về nhà.
Khi trở lại khu vực đình, anh T. thấy nam sinh có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa đi cấp cứu. Bệnh viện xác định nam sinh bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.