Thi hành án tham nhũng: Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tiền vẫn chưa cao

Chính phủ khẳng định đã quyết liệt chỉ đạo việc thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành án xong về tiền vẫn thấp, số tiền thu được giảm mạnh so với năm trước.

Thi hành án tham nhũng: Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tiền vẫn chưa cao

Thi hành án tham nhũng: Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tiền vẫn chưa cao

Ngay từ đầu bài phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp ngày 6-9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã dành nhiều thời gian để làm rõ nguyên nhân thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng giảm mạnh về tiền so với năm trước. Ông Khôi khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. "Tài sản nào đủ điều kiện, đủ cơ sở pháp lý để xử lý thì đều tập trung giải quyết dứt điểm", ông Khôi nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng còn gặp nhiều vướng mắc. Dẫn chứng điển hình, ông Khôi nhắc đến trường hợp nhà số 31 Phạm Hồng Thái (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đứng tên Phan Văn Anh Vũ. Ngôi nhà này có giá trị chỉ 11 tỉ đồng nhưng tổ chức bán đấu giá đến 10 lần vẫn chưa có ai mua.

Thi hành án tham nhũng: Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tiền vẫn chưa cao

Thi hành án tham nhũng: Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tiền vẫn chưa cao

Cũng theo ông Khôi, tài sản phải xử lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, chủng loại đa dạng, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp. Trong đó, có nhiều trường hợp chưa đủ thông tin, cơ sở pháp lý nên việc xử lý mất nhiều thời gian.

Số liệu từ báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ những khó khăn trong công tác thi hành án tham nhũng. Tổng số phải thi hành án về tiền là trên 95.570 tỉ đồng, nhưng số có điều kiện thi hành chỉ trên 50.580 tỉ đồng (chiếm gần 53%). Kết quả đã thi hành xong chỉ trên 12.156 tỉ đồng. Như vậy, tỷ lệ thi hành án xong về tiền chỉ đạt gần 32%.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao. Thậm chí, tình trạng vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, xử lý tài sản, vật chứng và quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án kéo dài qua nhiều năm, chậm được khắc phục. Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả thi hành án dân sự. Trong đó, Chính phủ đề nghị VKSND Tối cao tăng cường kiểm sát quá trình thi hành án, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cụ thể, tất cả các tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá phải được VKSND kiểm sát trực tiếp và có kết luận kiểm sát. Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc này.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn kiến nghị tăng cường thực hiện, hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, bảo đảm kịp thời thu hồi tài sản phạm tội tẩu tán ở nước ngoài. Chính phủ cũng khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.