Thực trạng tiếng Anh tại Việt Nam: Thầy cô lắp bắp, học sinh ngậm ngùi

Bài viết trên VietNamNet về giáo viên tiếng Anh "chạy mất dép" khi giao tiếp với người nước ngoài đã gây xôn xao và nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả. Họ chỉ ra hàng loạt bất cập trong phương pháp giảng dạy và học tập tiếng Anh hiện nay, dẫn đến tình trạng học sinh "trầy trật" suốt nhiều năm mà vẫn không thành thạo.

Thực trạng tiếng Anh tại Việt Nam: Thầy cô lắp bắp, học sinh ngậm ngùi

Thực trạng tiếng Anh tại Việt Nam: Thầy cô lắp bắp, học sinh ngậm ngùi

Nhiều độc giả trên VietNamNet đã lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với nhận định của tác giả bài viết về thực trạng tiếng Anh tại Việt Nam. Giáo viên Diện Nguyễn, người có nhiều năm trong nghề, khẳng định đã "từng chứng kiến người nước ngoài vào thăm, giáo viên Anh văn 'chạy mất dép' vì không thể giao tiếp".

Hậu quả của tình trạng này rất nghiêm trọng. Độc giả có địa chỉ email Myhong chia sẻ: "Tôi học tiếng anh từ lớp 6 đến lớp 12 nhưng không nói được câu nào. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tự đi học thêm 1,5 năm, nói được chút xíu nhưng văn phạm đỡ hơn. Khi đi làm, tôi đi đánh tennis với người nước ngoài nên giao tiếp tiếng Anh khá lên thấy rõ".

Nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự "trầy trật" của mình với tiếng Anh trong thời gian dài nhưng không mấy hiệu quả. Từ đó, một số độc giả đã chỉ ra những hạn chế của phương pháp dạy và học tiếng Anh hiện nay.

Độc giả Lê Minh Quốc viết: "Học phải đi đôi với hành, trong khi đó đội ngũ giáo viên tiếng Anh chất lượng còn hạn chế, sĩ số lớp quá đông, nặng về kỹ năng ngữ pháp, chưa chú trọng vào phần luyện nói, luyện nghe. Quan trọng hơn môi trường giao tiếp không có nhiều".

Người đọc Dinhluong Le cũng nhận định lý do quan trọng nhất là hiện nay học sinh ở trường công quá tải, với 50-55 em/lớp thì làm sao các em được thực hành, có cơ hội nói? Cũng theo độc giả này: "Có những em cả tiết học không được giao tiếp lấy một câu tiếng Anh. Một phần nữa, môn tiếng Anh cũng phải học theo trình độ ngang nhau. Một lớp 50-55 em nhưng có vài em giỏi, vài em khá, trung bình, trình độ không đồng đều. Nếu giáo viên nói tiếng Anh 90-100% trong tiết học, nhiều học sinh không hiểu. Còn thầy cô nói tiếng Việt nhiều, những em tiếp thu tốt, giỏi tiếng Anh không muốn học vì chán".

Độc giả cũng nêu câu hỏi: "Tại sao các trung tâm làm được?". Người này cho rằng: "Không phải giáo viên ở đó giỏi, giáo trình ở đó hay mà thứ nhất họ được sắp xếp học sinh theo trình độ, được test (kiểm tra đầu vào) học sinh. Thứ 2, họ có nhiều công cụ hỗ trợ cho dạy và học. Thứ 3, lớp học khá ít, thường 10-15 em/nhóm".

Đồng quan điểm, độc giả GiaTran cũng cho rằng: "50-60 học sinh/lớp đừng đòi hỏi nhiều ở đầu ra. Chủ trương thì chương trình phải hướng đến giao tiếp nhưng chương trình thực tế giáo viên phải biến thành dân sale chạy KPI vì phần ngữ pháp chiếm quá nhiều thời lượng".

Để nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh, độc giả GiaTran đề xuất tập trung dạy từ vựng, tư duy theo sơ đồ, thuyết trình.... Các trường phải xây lại chương trình và không ép học sinh thi ngữ pháp. "Vấn đề nằm ở chương trình đào tạo hơn là yếu tố con người", anh nói.

Độc giả Phuoc Tam Nguy cho rằng: "Tôi thấy chương trình tiếng Anh ở bậc phổ thông của chúng ta hiện nay gần như không có phần nghe nếu có thì rất ít, đề nghị tăng cường thật nhiều phần nghe và nói, viết, ngữ pháp".

Bạn đọc Vũ Hoàng cũng đóng góp giải pháp, bao gồm soạn sách song ngữ cho tất cả các môn học từ tiểu học lên, thường xuyên lồng ghép các hoạt động hoặc dạng câu lạc bộ bằng song ngữ và khuyến khích mọi người dân học tiếng Anh vì mục đích hội nhập.

Độc giả Konnichiwa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục tiếng Anh sớm, dựa vào sự hấp thụ ngôn ngữ tự nhiên của trẻ nhỏ. Người đọc này đề xuất áp dụng song ngữ ngay từ các trường mầm non, chú trọng vào việc nghe, nói và giao tiếp thông qua các hình thức vui chơi, hát hò và đóng kịch.

Độc giả LeTien "hiến kế" cho phép sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như đặt tên dịch vụ, tên trường học... bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Anh Nguyễn Bảo Thông cho rằng nhịp độ học tiếng Anh hiện tại quá nhanh và nhiều, khiến học sinh và giáo viên khó theo kịp. Anh đề xuất giai đoạn đầu tập trung vào nền tảng vững chắc, rồi mới mở rộng dần dần.

Độc giả Thanh Đức nhận định cần thay đổi giáo trình, chương trình và phương pháp, chú trọng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với bậc học phổ thông. Nếu làm được điều này, việc dạy và học tiếng Anh sẽ khởi sắc.