Bà Đặng Thị Phúc, 92 tuổi, là giáo viên đầu tiên dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn là học sinh lớp 4. Dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn cố gắng đến Nhà tang lễ Quốc gia để tiễn biệt người học trò đặc biệt của mình. Hình ảnh bà Phúc ngồi xe lăn, lau nước mắt khiến nhiều người xúc động và trân trọng tình cảm cô trò sâu sắc.
Tình cô trò sâu nặng: Bà giáo 92 tuổi tiễn biệt "người học trò xuất sắc" Nguyễn Phú Trọng
Bà Đặng Thị Phúc sinh năm 1931, là giáo viên dạy môn Toán năm lớp 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trường Tiểu học xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông cũng là một trong những học trò đầu tiên của bà trong quãng đời gần 40 năm gắn bó với nghề giáo.
Tình cô trò sâu nặng: Bà giáo 92 tuổi tiễn biệt "người học trò xuất sắc" Nguyễn Phú Trọng
Khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Phúc dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn cố gắng để tiễn biệt "người học trò xuất sắc" của mình. Hình ảnh bà ngồi xe lăn, dùng khăn lau nước mắt tiễn đưa học trò khiến nhiều người không khỏi xúc động, càng thêm ngưỡng mộ và trân trọng tình cảm cô trò sâu sắc.
Trong sổ tang, bà Đặng Thị Phúc nghẹn ngào viết: "Trò nhỏ ơi, Cô thương con lắm! Sao cô lại phải đưa con thế này". Sự mất mát của người học trò cũ khiến bà không khỏi đau xót và tiếc nuối.
Tình cô trò sâu nặng: Bà giáo 92 tuổi tiễn biệt "người học trò xuất sắc" Nguyễn Phú Trọng
Trong lần chia sẻ với VietNamNet, bà Phúc kể lại, khi ấy vì số lượng học sinh của xã Mai Lâm quá ít nên lớp 4 phải hợp lại với xã Đông Hội để đủ một lớp. Trò Nguyễn Phú Trọng là học trò nhỏ tuổi nhất trong lớp.
Dù bé nhất lớp nhưng học trò Nguyễn Phú Trọng đã gây ấn tượng sâu sắc với cô giáo bởi sự thông minh, chăm chỉ và chữ viết tròn trịa, rất đẹp. Sau hai năm dạy lớp 4, bà Phúc đi học rồi dạy môn Toán cấp 2.
Tình cô trò sâu nặng: Bà giáo 92 tuổi tiễn biệt "người học trò xuất sắc" Nguyễn Phú Trọng
Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm ấy, có học trò báo tin: "Cô ơi, học trò Phú Trọng bây giờ làm vị trí quan trọng lắm". Khi về nhà, nhớ về cậu trò nhỏ học giỏi nhất lớp năm xưa, cô đã viết bài thơ với tựa đề "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T).
Thế nhưng phải đến năm 2005, bà giáo mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Bà không ngờ, chính bài thơ đó đã giúp "người trò nhỏ năm xưa" tìm lại mình. Hôm đó, khi đang làm việc nhà thì bà nhận được điện thoại.
"Gần 50 năm rồi em mới được nghe tiếng nói của cô. Em vẫn còn giữ cuốn học bạ có chữ ký của cô đấy ạ! Em sẽ đến thăm cô". Bà Phúc sững sờ khi biết đó là vị lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng.
"Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi. Anh bận nên không phải đến thăm cô đâu", bà Phúc nói. Nhưng vài ngày sau, người học trò ấy đã đến thăm khi bà đang chuẩn bị bữa cơm chiều. "Mấy chục năm rồi mới được gặp, thế mà cô còn không cho em đến”, người học trò "hờn trách". Cô trò cứ thế nhìn nhau xúc động, không nói nên lời.
Năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gửi một bức thư tay đến cô giáo Đặng Thị Phúc. Trong một tuần trở lại đây, bức thư ấy một lần nữa được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội khiến nhiều người cảm động. Nội dung bức thư tuy ngắn gọn nhưng chan chứa tình cảm: “Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc! Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình. Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".
Ở cuối bức thư, người học trò cũ không quên gửi lời tri ân tới cô giáo: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”. Bức thư viết thư tay chúc tết cô với tình cảm ấm áp, giản dị của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cô giáo từ thời tiểu học xúc động.