Hà Thế Long từng được coi là thần đồng thư pháp của Trung Quốc, ghi dấu ấn trong giới thư pháp khi mới lên 8 tuổi. Nhưng đáng tiếc, hào quang và danh vọng quá sớm đã khiến anh lạc lối, dẫn đến sự tụt dốc đáng tiếc trong sự nghiệp.
Hà Thế Long sinh năm 2000 tại Liêu Ninh, Trung Quốc, trong một gia đình bình thường. Cha anh, ông Hà Phong Thuận, yêu thích thư pháp và hội họa truyền thống Trung Quốc, và sự quan tâm này đã truyền cảm hứng cho Thế Long từ nhỏ.
Năm 3 tuổi, Thế Long được cha cho làm quen với thư pháp. Dù còn hạn chế, nhưng sự tập trung và sự quan tâm của cậu bé đã khiến ông Hà vui mừng. Nhận thấy tài năng thiên bẩm của con, ông Hà Phong Thuận bắt đầu nghiêm túc dạy thư pháp cho Thế Long.
Lên 4 tuổi, Thế Long đã nhanh chóng học được nhiều kỹ thuật viết thư pháp. Anh không chỉ ngồi trong nhà viết thư pháp mà còn vẽ tranh truyền thống Trung Quốc cả ngày. Sự say mê và tài năng của Thế Long khiến kinh nghiệm viết thư pháp của anh tăng lên đáng kể.
Để tiếp tục bồi dưỡng tài năng của con, cha mẹ Thế Long quyết định chuyển đến Bắc Kinh khi anh được 6 tuổi. Sau khi đến Bắc Kinh, ông Phong Thuận đã đăng ký cho con thi kiểm tra trình độ thư pháp. Kỳ thi này, mặc dù mới 7 tuổi, Thế Long đã đạt được chứng chỉ cấp 5 của Trung tâm Kiểm tra Nghệ thuật Trung Quốc.
Thành tích của Thế Long không chỉ khiến gia đình ngạc nhiên mà còn thu hút sự chú ý của Hiệp hội Thư pháp Bắc Kinh. Thường thì để đạt được trình độ này, phải là người trưởng thành hoặc những nhà thư pháp chuyên nghiệp. Do đó, tài năng của Thế Long được đánh giá cao.
Năm 2008, Thế Long tham gia biểu diễn thư pháp tại Trung tâm Hội nghị Đại hội Nhân dân Quốc gia Bắc Kinh. Tại đây, không chỉ có các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc mà còn có các nhà sư. Thế Long, với tư cách là thí sinh nhỏ tuổi nhất mới lên 8, đã gây ấn tượng mạnh với màn biểu diễn viết thư pháp bằng 2 tay.
Danh tiếng của Thế Long cũng nổi lên từ đây. Anh được gọi là "thần đồng thư pháp" và "thiên tài chữ rồng bay phượng múa". Nhận thấy tài năng thư pháp của Thế Long, Hiệp hội Sách Trung Quốc đã kết nạp anh trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất.
Tháng 10/2008, tại Lễ hội Văn hóa Phục hưng lần đầu tiên tổ chức ở Bắc Kinh, Thế Long một lần nữa gây ấn tượng với tài năng viết thư pháp bằng 2 tay. Anh được nhà thư pháp nổi tiếng Wang Wenxiang đánh giá cao.
Sau khi chứng kiến màn biểu diễn của Thế Long, ông Wang nhận định rằng, trong nghệ thuật thư pháp, sự chăm chỉ và kiên trì là cần thiết, nhưng tài năng bẩm sinh cũng là yếu tố quan trọng. Do đó, ông Wang quyết định nhận Thế Long làm học trò để tiếp tục nuôi dưỡng tài năng này. Dưới sự hướng dẫn của ông, khả năng viết của Thế Long cải thiện đáng kể.
Năm 2011, tại một buổi hòa nhạc từ thiện quy tụ các doanh nhân nổi tiếng, tác phẩm thư pháp của Thế Long được đấu giá với giá 110.000 NDT (385 triệu đồng), cao hơn nhiều so với tác phẩm của các bậc thầy thư pháp nổi tiếng khác. Lúc này, Thế Long mới 11 tuổi.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng và tài năng của Thế Long cũng trở thành con dao hai lưỡi. Cha mẹ anh đã chuyển hướng sang kinh doanh, và thù lao của Thế Long cho mỗi lần xuất hiện ở một sự kiện được đưa ra ở mức tương đối cao.
Sự mải chạy theo kiếm tiền và danh lợi khiến chữ của Thế Long ngày càng tệ. Anh không còn dành thời gian trau dồi khả năng viết, và hứng thú với thư pháp cũng dần mất đi. Việc dành quá nhiều thời gian cho thư pháp cũng khiến Thế Long bỏ bê các môn học, dẫn đến thiếu hụt kiến thức văn hóa và xã hội trầm trọng.
Thế Long và gia đình không nhận ra được vấn đề này, dẫn đến việc chữ của anh ngày càng mất đi nét đặc sắc. Trong khi đó, anh vẫn quen với việc được tung hô và tìm cách nổi tiếng trở lại.
Khi quay trở lại, nét chữ của Thế Long vấp phải nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng, anh đang theo đuổi phong cách "thư pháp giang hồ", không theo tinh hoa thư pháp truyền thống Trung Quốc.
Năm 2019, Thế Long livestream trên mạng xã hội để giao lưu với mọi người. Anh không ngừng kêu gọi họ tặng quà để đổi lấy bức thư pháp. Tuy nhiên, sau khi livestream kết thúc, người liên hệ với Thế Long nhận quà lại nghe được phản hồi phải trả 500 NDT (1,7 triệu đồng). Lúc này, nhiều người bức xúc cho rằng, lần trở lại này của Thế Long vẫn vì mục đích kiếm tiền.
Trước phản ứng dữ dội của người dùng mạng xã hội, anh khóa tất cả các tài khoản của mình. Đến nay, Thế Long không xuất hiện trước công chúng và không ai biết về hoàn cảnh hiện tại của anh.
Câu chuyện của Thế Long là một lời cảnh báo cho nhiều phụ huynh về phương pháp giáo dục con. Phát hiện tài năng của con chưa đủ, điều quan trọng là cách nuôi dưỡng tài năng đó. Trong trường hợp của Thế Long, giáo dục sai cách của cha mẹ, tập trung vào lợi ích trước mắt, đã dẫn đến sự sa ngã của anh.