Bị mù cả hai mắt, anh Lê Cương từng mất hết ước mơ trở thành giáo viên. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường, anh đã vượt qua nghịch cảnh, thành lập cơ sở sản xuất chổi đót, tạo công việc cho những người cùng cảnh ngộ, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Vượt qua bóng tối, anh chàng khiếm thị tạo "kỳ tích" bằng cơ sở sản xuất chổi đót
Men theo con hẻm nhỏ ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tôi tìm đến cơ sở sản xuất chổi đót của anh Lê Cương (34 tuổi). Nghe tiếng bước chân, anh Cương đang đan đót dừng tay, mò mẫm đi về phía chiếc bàn gỗ gần đó rồi dõng dạc chào khách.
Anh Cương kể, từ nhỏ, đôi mắt anh đã không thấy rõ các vật xung quanh. Khi học đến cấp 2, thị lực yếu đi, anh Cương được cha mẹ đưa đi khám, phát hiện mắc chứng thoái hóa sắc tố võng mạc. Thời điểm đó, gia đình anh Cương đã vay mượn để điều trị cho con, nhưng không có kết quả. Thị lực yếu, Cương gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập.
Vượt qua bóng tối, anh chàng khiếm thị tạo "kỳ tích" bằng cơ sở sản xuất chổi đót
Năm 2010, vượt lên nghịch cảnh, anh Cương thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Sau một năm, bệnh tình chuyển nặng, anh Cương phải nghỉ học giữa chừng. "Còn gì khủng khiếp hơn việc mất đi ánh sáng, con đường sự nghiệp. Không muốn sống vô ích, dựa dẫm vào gia đình, năm 2012, tôi tiếp tục thi đại học và đậu vào ngành Văn, Trường đại học Khoa học Huế", anh Cương tâm sự.
Tại ngôi trường mới, dưới sự quan tâm, yêu thương của thầy cô, bạn bè và sự cố gắng của bản thân, sau 4 năm, anh Cương ra trường với tấm bằng giỏi. Cứ ngỡ đã chạm tay đến ước mơ, nhưng số phận cứ trêu ngươi chàng trai trẻ. Đôi mắt của anh Cương qua thời gian cứ yếu dần, trở thành người khiếm thị, sau này thì mù hẳn.
Vượt qua bóng tối, anh chàng khiếm thị tạo "kỳ tích" bằng cơ sở sản xuất chổi đót
"Tôi ước mơ trở thành thầy giáo, nên đã nỗ lực rất nhiều để thi đậu vào đại học. Thế nhưng vì hoàn cảnh nên ước mơ đó không thể thành hiện thực. Tôi tự nhủ phải chấp nhận những gì đang có, không bao giờ suy nghĩ tiêu cực. Người ta nói, nghịch cảnh không phải là tảng đá cản bước mà là động lực để ta vượt qua và tiến lên phía trước", anh Cương chia sẻ.
Năm 2017, anh Cương tham gia Hội Người mù huyện Triệu Phong để học làm chổi đót, xoa bóp, bấm huyệt. Nhờ vào đôi tay khéo léo, sau 3 tháng được đào tạo và đi làm ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị), tay nghề của anh Cương dần nâng lên. Đầu năm 2018, anh quyết định mở cơ sở sản xuất chổi đót tại nhà, rủ thêm một số người có cùng cảnh ngộ về làm chung.
Không chỉ tạo ra công việc cho người cùng cảnh ngộ, anh Cương còn truyền động lực để họ không mặc cảm, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Theo anh Cương, mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất 500-600 cây chổi, mang lại nguồn thu gần 20 triệu đồng. Cơ sở có 5 người, mỗi người thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.
"Mình bị khuyết tật vận động, chỉ ở trong nhà và không dám ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến người khác. Từ ngày gặp anh Cương, tính cách rụt rè mất đi từ bao giờ không hay. Cứ nghĩ bản thân không thể đi làm, kiếm tiền, vậy mà từ ngày về làm ở đây, mỗi tháng mình kiếm được 4 triệu đồng", chị Phan Thị Cúc (50 tuổi), trú xã Triệu Long nói.
Anh Cương cho hay, tới đây anh sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, đồng thời làm thêm các loại chổi khác theo nhu cầu của khách hàng. Tiếp tục "mở cửa" chào đón những người khuyết tật, người chưa có công việc đến làm, với mong muốn giúp đỡ họ có thêm chi phí cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế.
Chị Võ Thị Thúy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ - Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội xã Triệu Long cho biết, anh Cương đang là Phó Chủ tịch của hội. Mô hình sản xuất chổi đót của anh Cương không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm cho các lao động trên địa bàn xã.
Theo chị Thúy, thời gian tới, Hội sẽ đề xuất phía ngân hàng ưu đãi các chương trình vay vốn để hỗ trợ thêm cho anh Cương trong quá trình sản xuất, mở rộng quy mô.